Nằm trong chuỗi chương trình của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam, hưởng ứng sự kiện khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest 2021, buổi tập huấn số 8 với chủ đề: “Hoạt động quản trị tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp” đã được diễn ra vào lúc 8h00 ngày 21/11/2021.
Buổi tập huấn có sự tham gia của Ông David Martin Nguyễn – Nhà sáng chế và cố vấn quốc tế về Chiến lược Công nghệ và Thương mại, Cố vấn cao cấp Tập đoàn Hoà Bình, đồng Trưởng Làng Sáng chế và và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo; bà Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng ban Đào tạo, tập huấn, hội thảo Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, buổi tập huấn còn có sự tham gia của diễn giả Nguyễn Hồng Quang – Chánh văn phòng, nghiên cứu viên tại Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức cùng các đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp.
Quản trị tài sản trí tuệ diễn ra như thế nào?
Ông David Marin Nguyễn khẳng định, quản trị tài sản trí tuệ là việc vô cùng quan trọng đối với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phát triển công nghệ. Ông nhận thấy những doanh nghiệp lớn sẽ dành ra ngân sách dồi dào đầu tư ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, cũng như chú trọng về việc quản trị tài sản trí tuệ giúp các doanh nghiệp đưa ra các quyết định về chính sách, quy tắc, mục tiêu để bảo vệ những lợi ích tài sản tốt hơn.
Các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà sáng chế cần có chiến lược đầu tư lâu dài với thời gian thông thường là 10 năm và có những kế hoạch lộ trình phát triển về tài sản trí tuệ, đánh giá giá trị thực của tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu. Việc đánh giá thường xuyên sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được giá trị của các tài sản trí tuệ, từ đó giúp tìm được phương hướng phát triển và đầu tư một cách hiệu quả.
Theo ông David Martin Nguyễn, ở các doanh nghiệp, thông thường ngân sách đầu tư cho bộ phận nghiên cứu và phát triển chiếm khoảng 2 - 10% tổng số thu nhập của công ty trong lĩnh vực khoa học công nghệ; khoảng trung bình từ 5 – 20% trong lĩnh vực điện tử, phần mềm.
Ngoài ra, trong quá trình mua bán và sáp nhập việc đánh giá rõ tài sản trí tuệ cũng sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được giá trị thực về tài sản vô hình của mình. Do đó, cần chú trọng hơn trong việc gia tăng các bằng sáng chế, đặc biệt là các nguồn lực trẻ ở các trường đại học, các viện,… vì đây là cơ sở giúp gia tăng sự hấp dẫn và thu hút nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Điển hình là các mặt hàng xuất khẩu nếu có bằng sáng chế sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, thu hút người mua hơn khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, theo bà Lê Thị Thanh Tâm chia sẻ, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ cấp thiết và quan trọng, đặc biệt là ở các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, từ đó giúp hạn chế những thất thoát tài sản.
Bà tâm chia sẻ thêm, quản trị tài sản trí tuệ có thể gia tăng các giá trị tài sản và thu hút được nhiều nhà đầu tư, các nguồn tài sản trí tuệ xuất phát từ nguồn nhân lực thông qua các hoạt động sáng kiến, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học,..
"Tài sản trí tuệ nếu không được quản trị tốt sẽ giống như tài sản bị từ bỏ, ai cũng có thể lấy, sử dụng cho mục đích riêng, gây ra những thất thoát cho đơn vị tổ chức hay chủ sở hữu, làm giảm giá trị của tài sản trí tuệ và giảm sự hấp dẫn đầu tư”, bà Tâm nói.
Quản trị tài sản trí tuệ có điểm gì mới?
Diễn giả Nguyễn Hồng Quang – Chánh văn phòng, nghiên cứu viên tại Viện Quản trị Tài sản Minh Đức chia sẻ, quản trị tài sản trí tuệ là việc quan trọng và cần thiết đối với các chủ sở hữu.
“Chúng ta cũng cần lưu tâm đến việc thiết lập hệ thống quản trị tài sản trí tuệ để có thể quản trị một cách đầy đủ và hợp lý hơn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại trường đại học cũng như làm việc trong lĩnh vực quản trị tài sản trí tuệ, diễn giả với vai trò của một người trong cuộc đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến vấn đề tài sản trí tuệ, những yếu tố then chốt để giúp các tổ chức khai thác tốt nhất về tài sản trí tuệ”, ông Quang nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Quang cũng đã trình bày các tình huống thực chiến để khách mời tham dự có cái nhìn tổng quát nhất về tài sản trí tuệ, hiểu được từng tình huống để tránh trường hợp rủi ro trong quản lý tài sản trí tuệ hay một cách đáng tiếc.
Buổi tập huấn thu hút sự quan tâm và trao đổi tích cực của nhiều đại biểu qua từng vấn đề giúp hiểu rõ hơn về các quy định, quy chế, các biện pháp quản trị trong việc chuyển giao, các tài sản trí tuệ, tránh được những thất thoát, tranh chấp về quyền sở hữu.
Những vấn đề khó khăn, trăn trở đều được các chuyên gia hỗ trợ và giải đáp một cách rõ ràng, cụ thể.
Thanh Tâm - Bảo Vy