Nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hưởng ứng Ngày hội khởi nghiệp Techfest 2021, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phối hợp với Hội Sáng chế Việt Nam tổ chức lớp tập huấn thứ 4 với chủ đề “Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và mô hình kinh doanh” vào ngày 24/10/2021.
Buổi tập huấn có sự tham gia của TS. Bùi Văn Quyền – Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam; ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; ông Lê Vũ Tiến - Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ KH&CN, Đồng Trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cùng gần 200 đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà sáng chế .... cùng đông đảo các phóng viên đến từ các báo đài trên cả nước.
Covid-19 là cuộc kiểm tra "sức khỏe" doanh nghiệp
Theo ông Trần Anh Tuấn – Nguyên Giám đốc đào tạo BNI, ảnh hưởng của dịch vừa qua như cuộc kiểm tra "sức khỏe" của doanh nghiệp, thách thức các doanh nghiệp hiện hữu và khởi nghiệp, vấn đề này không chỉ dừng lại ở thay đổi mô hình kinh doanh mà còn là vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp.
"Nó không dừng lại đơn giản ở việc tạo ra sản phẩm mà vấn đề cần quan tâm hiện tại là mô hình kinh doanh phù hợp. Từ những tập đoàn thành công, chúng ta có thể rút ra được những kinh nghiệm trong mô hình kinh doanh và áp dụng không chỉ ở các doanh nghiệp mà còn áp dụng cho các tổ chức, cơ quan chính phủ trường đại học, viện nghiên cứu. Những tư duy về mô hình kinh doanh giúp thiết kế hệ thống phù hợp trong mùa dịch này tăng lợi thế kinh doanh, thu được các nhà đầu tư và khách hàng có thể mở rộng quy mô lớn hơn tạo ra nhiều nguồn lợi hơn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng Ban đào tạo tập huấn hội thảo cho rằng, trước bối cảnh đại dịch Covid-19, diễn biến phức tạp và có nhiều tác động khó lường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Việt Nam đã kịp thời đưa vào ứng phó với đại dịch, những nghiên cứu thành công phần nào thể hiện trong chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2021.
Đồng thời, đại dịch đã thúc đẩy việc mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý, xu hướng tiêu dùng hiện đại làm thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới.
"Vì vậy, người tiêu dùng quan tâm hơn về môi trường với tư duy khôi phục hệ sinh thái, vừa góp phần giảm giá cả hàng hóa vừa làm cho mọi người sống khỏe hơn, sống lâu hơn. Thay đổi mô hình kinh doanh là để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới. Thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới", bà Tâm chia sẻ.
Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển
Theo TS. Bùi Văn Quyền, tại mỗi quốc gia, đổi mới sáng tạo luôn được coi là nguồn động lực hết sức quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Các mô hình chuyển đổi sản xuất kinh doanh cũng cần được liên tục đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp quản lý và hoạt động tốt hơn.
Ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia cho biết, Trung tâm có nhiệm vụ chiến lược là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng công nghệ, nhằm thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua nhiều hình thức đào tạo, hội thảo, tổ chức các sự kiện, hỗ trợ khởi nghiệp, các hoạt động kết nối, các công nghệ chuyển giao, …
"Trong cuộc sống phát triển kinh tế xã hội ngày nay các nghiên cứu, các sáng chế luôn được xem sáng tạo cực kỳ quan trọng, góp phần làm giàu kho tàng trí thức của quốc gia đem lại năng suất cao hơn đáp ứng nhu cầu của con người. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và nguồn lực phát triển đất nước", ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, sở hữu công nghiệp có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá tổ chức, đơn vị, kinh doanh. Từ đó cho thấy, sở hữu trí tuệ hiện đang chiếm vai trò ngày càng quan trọng thúc đẩy sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hàng tiêu dùng nhận biết và so sánh kết quả, chất lượng, xuất xứ hàng hoá, đồng thời giúp chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại hiệu quả hơn.
Về thành tựu đã đạt được trong quá trình đổi mới sáng tạo, bà Đặng Mỹ Châu – Cố vấn Chiến lược NATEC thuộc Bộ KH&CN chia sẻ, mặc dù chịu sự tác động của dịch Covid-19, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2021 xếp hạng thứ 44 và đứng trong nhóm 4 quốc gia xuất sắc là một nỗ lực rất lớn.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý vẫn cần phải khắc phục, cải tiến các chỉ số cơ sở hạ tầng, nguồn lực nghiên cứu trong thời gian tới. Việc phát triển nghiên cứu còn gặp nhiều giới hạn, sự đào tạo chuyên sâu trong quá trình nghiên cứu và phát triển, hội nhập nghiên cứu triển khai, do đó cần sự hỗ trợ từ cộng đồng, chính phủ và các viện trường giúp cho hoạt động này, mở rộng tính sáng tạo giúp nâng tầm các viện trường giúp hội nhập nhanh với thế giới", bà Châu nhận xét.
Các diễn giả đã mang lại nhiều thông tin bổ ích về hoạt động đổi mới sáng tạo và thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp giúp chúng ta có thể vượt qua và tồn tại với tình trạng “bình thường mới” khôi phục nền kinh tế trong thời gian tới.
Thanh Tâm