Ngân hàng mong được nới tỷ lệ room ngoại

Trần Nhật Linh
Quy định về room ngoại không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam đang khiến cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược trở nên khó khăn.

Ngân hàng mong được nới room ngoại

Theo quy định hiện tại, mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%. Ngoài ra, giới hạn tỷ lệ sở hữu của cá nhân nước ngoài tại ngân hàng là 5% vốn điều lệ, với tổ chức là 15%, còn với nhà đầu tư chiến lược là 20%. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ ngân hàng.

Thống kê của Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem), tính đến 30/6/2021, thị trường có 19 tổ chức tín dụng (TCTD) có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của TCTD, trong đó NHTM Nhà nước có 3/4 ngân hàng và NHTM cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 15%, trong đó có 5 TCTD có tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%.

Thực tế hiện nay cho thấy, các TCTD đang có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các TCTD. Một số NHTM cổ phần đã và đang làm tốt việc tăng vốn chủ sở hữu từ các cổ đông nước ngoài. Một số ngân hàng khác cũng đang tìm kiếm, lựa chọn, đàm phán tìm cổ đông chiến lược. Với những NHTM có cổ đông chiến lược nước ngoài đều có cải thiện đáng kể về chất lượng quản trị, tính minh bạch trong hoạt động, sức cạnh tranh…

Tính đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng theo Thông tư 41/2016/TT đang ở mức 11,37%. Mới chỉ có một vài ngân hàng đang triển khai Basel 3, còn lại chỉ dừng ở Basel 2. TS Cấn Văn Lực cho biết, việc các NHTM phải tiếp tục nhu cầu tăng vốn chủ sở hữu, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II và tới đây là Basel III, đặc biệt là trong bối cảnh hệ số CAR của Việt Nam còn thấp hơn so với khu vực, thì yêu cầu cần nâng tỷ lệ giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài càng đặt ra cấp thiết. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại có thể tìm kiếm các đối tác chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu tăng vốn trong thời gian tới.

Do tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã khá lớn, trong khi phải thúc đẩy tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều ngân hàng đã phải phải khóa room ngoại để chờ cơ hội tốt hơn bán vốn cho đối tác nước ngoài. 

Chẳng hạn tại VPBank, thời điểm tháng 5/2021, room ngoại của ngân hàng này là 20%. Tuy nhiên, để chuẩn bị bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài, ngân hàng này đã khóa room vốn ngoại là 15%. Nhưng tới đây, VPBank tiếp tục lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh room ngoại, từ 15% lên 17,5%, nhằm chuẩn bị hiện thực hóa thương vụ.

Hiện room ngoại tại OCB còn 10% và ngân hàng đang đàm phán với đối tác ngoại để bán tiếp phần còn lại, chốt room ngoại theo quy định dưới trần 30%. Trước đó, vào giữa năm 2020, OCB hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng đã và đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài như: VietCapitalBank, NamABank, Techcombank, HDBank...

room ngoai

Nới room ngoại theo lộ trình 

Được biết, tăng room ngoại cho các TCTD là điều nằm trong phụ lục của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2006, tuy nhiên đến nay quy định mới chỉ dừng lại ở con số 30%. Ngoài ra, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các ngân hàng châu Âu sẽ được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại 2 ngân hàng Việt Nam lên tối đa 49% mà không phải chờ quyết định nới room. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank).

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Bay Global Strategies Virginia Foote cho biết, thời gian tới sẽ có rất nhiều cơ hội cho Việt Nam trong phục hồi hậu Covid-19. Đối với ngành ngân hàng, các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có nhà đầu tư Mỹ) không chỉ quan tâm đến tổng thể cả ngành mà còn rất quan tâm đến từng NHTM để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mỗi nhà đầu tư sẽ có cách tiếp cận riêng, khẩu vị rủi ro khác nhau… Nhưng nếu giữ trần 30% sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng thu hút được vốn.

Hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến các ngân hàng Việt Nam. Vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp các tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Tại buổi tiếp, các ngân hàng và tập đoàn tài chính Hàn Quốc tại Việt Nam như Shinhan Bank, Keb Hana, Woori… đều mong muốn được nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài, đề xuất Việt Nam triển khai và được tham gia vào lĩnh vực mobile money, ngân hàng số… 

Hiện nhiều TCTD có nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông nước ngoài, đặc biệt theo nhu cầu tăng vốn để tiếp tục thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Việc khống chế tỷ lệ 30% ảnh hưởng đến việc tìm kiếm cơ hội mua bán - sáp nhập, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược đã khó nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ sở hữu vốn”, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng nói. 

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết. Tuy vậy, cần thận trọng, bảo đảm hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với sự quản lý nhà nước. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc này cần thực hiện từng bước, trước mắt có thể nới từ 30% lên 49%.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, việc quy định tỷ lệ ở hữu cổ phần của cổ đông nước ngoài cần được phân loại theo nhóm, đối với nhóm các NHTM có thể nới room tùy theo đánh giá xếp loại của NHNN. NHTM đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định. Bên cạnh đó, Chính phủ có thể có cơ chế cho phép ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém để trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. 

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Chính phủ đã có cơ chế mở cho phép các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua 100% vốn các ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Còn đối với các ngân hàng khác, việc xem xét nới room ngoại là cần thiết nhưng cần đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư và vai trò quản lý nhà nước. Nếu mở chỉ nên mở với từng loại hình TCTD cụ thể và có lộ trình.

LS Trương Thanh Đức cho rằng: “Nên xem xét đưa lên mức 49% là phù hợp, bởi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư trong nước vẫn ở mức chi phối. Bên cạnh đó, với năng lực quản lý của từng ngân hàng và cả hệ thống hiện nay, một quyết định quan trọng của từng ngân hàng cũng chịu sự giám sát từ cả nội tại ngân hàng và cả từ cơ quan quản lý. Điều quan trọng là chú trọng năng lực kiểm tra giám sát của từng ngân hàng và toàn hệ thống".

Nguồn: Thảo Nguyên/KT&ĐT

Nguồn: Thảo Nguyên/KT&ĐT