Một gia đình người mù sống 70 năm ổn định nhưng không được hỗ trợ cấp GCNQSDĐ
Gia đình Bà Ngô Thị Cổng sinh sống ổn định gần 70 năm tại xóm Đông, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh được xác định là hộ nghèo, bản thân bị mù, sinh hoạt rất khó khăn phải nhờ con cái. Gia đình Bà nhiều lần làm đơn đề nghị cải tạo căn nhà đã xuống cấp trầm trọng và đề nghị cấp GCNQSDĐ, nhưng UBND phường Tam Sơn đều thoái thác trách nhiệm, không hỗ trợ giải quyết, thể hiện nhiều nội dung buông lỏng quản lý đất đai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Trong suốt gần 70 năm sinh sống ổn định tại mảnh đất trên, gia đình bà Cổng không phát sinh tranh chấp với bất kỳ ai và UBND xã nay là phường Tam Sơn cũng không có bất cứ văn bản nào xử phạt vi phạm đất đai, hay yêu cầu gia đình bà phải di rời.
Đầu tháng 03/2022, do nhà bị xuống cấp trầm trọng không thể tiếp tục ở và sinh hoạt, căn nhà có khả năng bị đổ sập bất cứ lúc nào, bà Cổng cùng các con đã làm đơn đề nghị cấp phép sửa chữa gia cố nhà ở gửi lên UBND phường Tam Sơn. Đến ngày 01/04/2022, UBND phường Tam Sơn ra Công văn số 39/UBND-TLĐ V/v trả lời đơn xin sửa chữa, gia cố nhà ở của công dân, do ông Vũ Hồng Kiên- Phó Chủ tịch UBND phường Tam Sơn ký ngày 01/04/2022, nội dung Công văn không đồng ý để gia đình bà Cổng được phép xây dựng, sửa chữa căn nhà trên, đáng chú ý nội dung công văn đã thể hiện nhiều nội dung không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đền quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình Bà.
Căn nhà gia đình bà Cổng bị xuống cấp trầm trọng, bếp trở thành nơi ngủ
Bà Cổng cho biết: “nhiều đời trong gia đình tôi đã ở và sinh sống ổn định tại thửa đất thuộc xóm Đông, phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh từ năm 1954 đến nay, có sổ hộ khẩu, có nhiều người dân địa phương xác nhận. Nay do nhu cầu cấp thiết phải sửa chữa cải tạo căn nhà để ở, nhưng chưa được sự cho phép của chính quyền nên tôi chưa thể xây dựng.” Trong Công văn số 39 của UBND phường Tam Sơn cũng thể hiện rõ điều này “trước ngày 15/10/1993, gia đình bà Ngô Thị Cổng và gia đình ông Nguyễn Duy Bình sử dụng Cầu Cụ, xóm Đông, thôn Tam Sơn (nay là xóm Đông, khu phố Tam Sơn)…và tại phần II. Nhận xét, UBND phường Tam Sơn cũng xác định: Căn cứ kết quả xác minh cho thấy việc hộ gia đình bà Ngô Thị Cổng và hộ ông Nguyễn Duy Bình cùng sử dụng chung Cầu Cụ - xóm Đông từ thời điểm cải cách ruộng đất là đúng” điều này thể hiện rõ ràng gia đình bà Cổng đã ở, sinh sống ổn định từ rất lâu tại mảnh đất trên, từ trước những năm cải cách ruộng đất khoảng năm 1953.
Công văn số 39 của UBND phường Tam Sơn
Với nội dung “Sau cải cách ruộng đất, một số gia đình không có nơi ở, trong đó có gia đình bà Ngô Thị Cổng và gia đình ông Nguyễn Duy Bình. Để tạo điều kiện cho các gia đình có nơi ở ổn định đời sống, tập thể đã cho các gia đình mượn và sử dụng Cầu Cụ để ở”, gia đình bà Cổng hoàn toàn bác bỏ nội dung này, bà Cổng khẳng định “Ông Cha tôi đã sinh sống tại mảnh đất trên từ trước năm 1953, gia đình tôi không ký và cũng không có bất cứ văn bản giấy tờ nào chứng minh rằng gia đình tôi phải mượn hay ở nhờ ai tại mảnh đất này cả. Chính vì vây, nội dung này UBND phường Tam Sơn khi làm việc với Cộng đồng dân cư như trình bày trong Công văn số 39 là hoàn toàn không có cơ sở. Ngoài ra, suốt gần 70 năm gia đình tôi sinh sống tại đây, chính quyền địa phương khi lập hồ sơ xác minh hiện trạng chủ sử dụng đất không có bất cứ thông báo, hay làm việc trực tiếp với gia đình.”
Đáng chú ý, trong nội dung Công văn số 39, UBND phường Tam Sơn xác định: Việc bà Ngô Thị Cổng đề nghị được nâng cấp, cải tạo công trình nhà ở cấp 4 trên đất thuộc Cầu Cụ phải được sử đồng ý của cộng đồng dân cư xóm Đông??? Không hiểu UBND phường Tam Sơn căn cứ vào quy định nào của pháp luật để đưa ra yêu cầu trên, cộng đồng dân cư xóm Đông là ai và việc những hộ dân này đại diện cho xóm đứng ra đòi đất của gia đình bà Cổng cũng hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật, không có bất cứ văn bản tài liệu nào chứng minh gia đình bà Cổng phải mượn hay thuê để ở tại mảnh đất trên cả, nên việc UBND phường kết luận rằng gia đình bà Cổng phải được sự đồng ý của cộng đồng dân cư xóm Đông là thiếu căn cứ pháp luật, thể hiện phần nào sự quan liêu, vô cảm đối với khó khăn của người dân.
Có thể thấy, với thời gian sinh sống ổn định hơn 70 năm, không phát sinh tranh chấp và không bị vướng quy hoạch gia đình bà Cổng hoàn toàn đủ điều kiện được cấp GCNQDĐ căn cứ theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Bất cập trong công tác quản lý đất đai, xảy ra nhiều sai phạm
Ngày 08/09/2022, báo Nhân dân điện tử có bài viết: Chấn chỉnh công tác quản lý đất đai ở phường Tam Sơn (Bắc Ninh), nội dung bài viết thể hiện nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai ở phường Tam Sơn (TP Từ Sơn, Bắc Ninh). Trong đó, có nhiều cá nhân, hộ gia đình xây dựng, chuyển mục đích sử dụng trái phép đất nông nghiệp; lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất công; tổ chức giải phóng mặt bằng khi dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường; lập dự án phân lô, bán nền trái quy định...
Người dân bức xúc phản ánh bất cập trong quản lý đất đai ở phường Tam Sơn (ảnh: Báo Nhân dân)
Trong bài viết thể hiện nhiều phản ánh của bạn đọc và được lãnh đạo UBND phường Tam Sơn cùng UBND thành phố Từ Sơn trả lời, khẳng định phản ánh có cơ sở hoặc có cơ sở một phần. Trong quá trình quản lý đất đai chưa sâu sát, thiếu kiên quyết cho nên việc lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng trái phép đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến. Ðáng chú ý ở khu vực Dọc Cuối có hơn 30 hộ lấn chiếm đất công và tự ý chuyển mục đích sử dụng trái phép hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để làm lán trại sản xuất gỗ.
Đối với phản ánh Khu vực đồng Bãi Pháo là đất công đã được quy hoạch làm khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bị bỏ hoang nhiều năm. Năm 2019, một cá nhân san lấp và sử dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng, gỗ nguyên liệu nhưng chính quyền địa phương không xử lý. Theo phản ánh của người dân, diện tích đất công cá nhân này san lấp, sử dụng trái phép lên tới hàng nghìn mét vuông. Người này còn tự bỏ tiền đền bù cho các hộ dân có đất nông nghiệp nhưng không sử dụng tại các khu vực lân cận để san lấp trên diện tích khoảng 4,5ha. Ông Nguyễn Khắc Tuấn – Chủ tịch UBND phường Tam Sơn cho biết, diện tích tại đồng Bãi Pháo đã được lập quy hoạch xây dựng khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010. Tuy nhiên, do chưa hoàn thiện thủ tục cũng như nguồn kinh phí nên khu vực này bị bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ngoài ra, qua kiểm tra, phường cũng phát hiện nhiều hộ tự ý xây dựng lán xưởng trên đất thổ cư hoặc đất lấn chiếm từ trước năm 2008. Tuy nhiên, hầu hết diện tích nêu trên đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NÐ-CP ngày 15/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ, đối với diện tích này các hộ có thể đề nghị xem xét để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn Nguyễn Mạnh Cường cho biết, UBND thành phố cũng đã nhận được những thông tin phản ánh của người dân về công tác quản lý đất đai ở Tam Sơn. Theo ông Cường, có một số việc có từ thời kỳ trước đã được xem xét giải quyết. Những việc xảy ra gần đây qua thanh, kiểm tra cho thấy có sự buông lỏng quản lý đất đai của cán bộ chính quyền phường Tam Sơn, để xảy ra nhiều vụ việc người dân lấn chiếm đất công, tự ý chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
UBND thành phố Từ Sơn đã yêu cầu UBND phường Tam Sơn xử lý triệt để, kiểm điểm trách nhiệm và tăng cường công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng.
Link bài viết trên báo Nhân dân điện tử: https://nhandan.vn/chan-chinh-cong-tac-quan-ly-dat-dai-o-phuong-tam-son-bac-ninh-post714178.html
Nhóm PVPL