Buổi tập huấn thứ 5 của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Việt Nam 2021 với chủ đề: "Xây dựng thương hiệu, thiết lập nhãn hàng hóa, dịch vụ - kỹ năng khai thác thông tin tra cứu và thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu" vừa được tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội sáng chế Việt Nam chia sẻ, xây dựng thương hiệu, thiết lập nhãn hàng hàng hoá dịch vụ rất cần thiết và gắn liền với đời sống người dân. Cách đây nhiều năm, các nhà quản lý, các chuyên gia còn tranh cãi với nhau khá nhiều về vấn đề thế nào là thương hiệu, thế nào là nhãn hiệu, nếu không có thương hiệu thì phải xây dựng như thế nào? Thế nhưng, đến nay nhờ sự nỗ lực của cả cộng đồng sở hữu trí tuệ trong thời gian dài vừa qua, những câu hỏi này đã được trả lời đầy đủ, rõ ràng hơn.
Trong khi đó, ông David Martin Nguyễn - Cố vấn cấp cao Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Đồng Trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, thương hiệu là một trong những yếu tố rất quan trọng để tạo ấn tượng đầu tiên cho khách hàng. Vì thế, thương hiệu của công ty cần phải dễ nhớ, ngắn gọn, tạo được thiện cảm như IPM (Công ty cổ phần Xuất bản và Truyền thông), NOKIA (Công ty thiên về điện thoại di động của Phần Lan),…
"Về lĩnh vực thành lập nhãn hiệu hàng hoá, các doanh nghiệp nên có sự hỗ trợ của luật sư chuyên môn để bảo vệ cho các sản phẩm, ngăn ngừa đối thủ cạnh tranh, đem lại nhiều khách hàng hơn", ông David Martin Nguyễn chia sẻ.
Về lĩnh vực dịch vụ, ông David Martin Nguyễn cho rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng ở Việt Nam còn thiếu sự ân cần và phải cải tiến, học hỏi nhiều hơn từ các quốc gia phát triển. Mục đích của việc cải tiến không chỉ bày tỏ sự trân trọng, ân cần với khách hàng mà còn tạo ra được sự trung thành giữa khách hàng đối với công ty.
Bà Lê Thị Thanh Tâm - Trưởng ban Đào tạo, tập huấn - hội thảo Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho rằng, hội nhập toàn cầu với nền kinh tế phẳng, nhu cầu cao hơn ngày càng khắt khe đòi hỏi các sản phẩm cần đạt chất lượng cao, giá thành ổn định và đầy tính cạnh tranh. Một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các sản phẩm của hầu hết doanh nghiệp là phải xác định được “tên tuổi và chỗ đứng" trên thị trường trong và ngoài nước.
Với nền kinh tế tri thức đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đổi mới sáng tạo xây dựng, bảo vệ và truyền thông thương hiệu để có thể cạnh tranh trên thị trường.
"Việc này giúp các doanh nghiệp khẳng định được vị thế của mình cũng như giá trị của các sản phẩm, hạn chế được tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, mang đến nhiều giá trị, nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh và cho xã hội", Bà Tâm chia sẻ.
Giải thích rõ hơn về các vấn đề có thể gặp phải khi xây dựng thương hiệu ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, diễn giả Nguyễn Thị Hà, CEO – Bigsouth Agency cho rằng, doanh nghiệp biết tầm quan trọng của thương hiệu, nhưng lại xem đó là chi phí và chia sản phần đầu tư cho thương hiệu. Doanh nghiệp cũng biết nhãn hiệu cần được bảo hộ nhưng chậm trễ hoặc bỏ qua bước đăng ký sở hữu trí tuệ sau khi có đã có tên hoặc nhãn hiệu hàng hoá. Doanh nghiệp còn sai lầm khi không có chiến lược, xây dựng tầm nhìn cho việc phát triển một thương hiệu bền vững lâu dài…
Cuộc chiến về thương hiệu đang là cuộc chiến lớn nhất trên thương trường, tuy nhiên các doanh nghiệp lại chưa có hành động tương xứng. Theo bà Hà, các doanh nghiệp cần chủ động tạo ra lợi thế cạnh tranh, trước bởi vì dù cho sản phẩm có tốt đến đâu nhưng không tiếp cận được khách hàng thì sẽ không ai biết đến sản phẩm.
"Xây dựng thương hiệu không phải là đánh bóng hình ảnh cho doanh nghiệp mà chính là con đường giúp cho các doanh nghiệp tìm ra sức mạnh nội tại, chạm được đến khách hàng tiềm năng", bà Hà nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, diễn giả Lê Ngọc Quỳnh Thạch, CEO – King Marketing cho rằng, nếu ngày xưa doanh nghiệp chỉ tiếp cận khách hàng thông qua các đoạn quảng cáo trên truyền hình với chi phí khá rẻ thì ngày nay chi phí đã trở nên đắt đỏ hơn do sự phát triển của công nghệ. Các doanh nghiệp cần lựa chọn một kênh chủ lực phù hợp nhất, phân tích nguồn lực, khả năng của doanh nghiệp để đầu tư và quảng cáo thương hiệu của mình. Theo ông, marketing online là thứ có thể đo lường được thông qua các công cụ đo lường, thống kê để từ đó giải các bài toán về tỷ lệ chuyển đổi, thu nhập, lưu lượng khách hàng.
Thanh Tâm - Khánh Duy