Kỹ năng khai thác và đăng ký sáng chế công nghệ

Trần Nhật Linh
Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo vừa tổ chức buổi tập huấn số 3: “Kỹ năng khai thác thông tin và thủ tục đăng ký sáng chế”.

Tham dự buổi tập huấn có sự hiện diện của: GS.TS. Trần Quốc Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN), Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam; Ông Trần Giang Khuê, Trưởng làng; Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Việt Nam Busadco - Đồng Trưởng Làng, cùng hơn 200 quý đại biểu đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà sáng chế, các nhà khoa học.

Tầm quan trọng của đăng ký sáng chế

Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, GS.TS. Trần Quốc Thắng - Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc phát triển KHCN và kinh tế - xã hội. Các tài sản trí tuệ (TSTT) chính là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và xa hơn nữa là tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, có rất nhiều bài học đáng tiếc về việc “mất bò mới lo làm chuồng”, tức là quên mất việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các tài sản trí tuệ này dẫn đến bị người khác chiếm dụng, đăng ký ở trong nước và ngoài nước; hoặc trở thành tài sản chung của cộng đồng…

Ngoài ra việc khai thác thông tin sáng chế, công nghệ để phục vụ nghiên cứu tránh trùng lặp, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh cũng rất quan trọng trong nền kinh tế tri thức, kinh tế số. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin, kiến thức kỹ năng và nâng cao năng lực cho các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý các tài sản trí tuệ của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các nhà sáng chế rất cần được sự quan tâm.

Việc tra cứu thông tin sáng chế ngày nay còn gặp nhiều bất cập, do đó cần phải mở rộng và phát triển mạng lưới sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp và các nhà sáng chế, khai thác sáng chế một cách hiệu quả và đưa vào sản xuất là một vấn đề còn khá khó khăn.Chúng ta cần phải có sự đoàn kết,hợp tác của nhiều tập thể và đây cũng là định hướng phát triển sắp tới trong tương lai”, ông Thắng chia sẻ.

1. Tran Quoc Thang
Giáo sư Trần Quốc Thắng, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban đào tạo, tập huấn, hội thảo cho biết, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa với nền kinh tế phẳng và sự phát triển như vũ bảo về KHCN, đã dần hình thành nên nền kinh tế tri thức phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và mô hình chuyển đổi số. Từ đó, sự cạnh tranh diễn ra chủ yếu là hàm lượng trí tuệ thông qua giải pháp công nghệ dữ liệu thông tin, bí quyết kỹ thuật, nguồn nhân lực, bí mật kinh doanh, chiến lược – kế hoạch kinh doanh và các TSTT khác chứa trong mỗi sản phẩm trí tuệ, tạo ra từ hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST).

"Sở hữu các văn bằng độc quyền sáng chế là một trong những khía cạnh then chốt, là một trong những tiêu chí quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học, cũng như cơ sở giáo dục đại học nơi mà thực hiện hoạt động đào tạo nghiên cứu và phục vụ cộng đồng", bà Tâm nhấn mạnh.

Về phía mình, ông Hoàng Đức Thảo – Tổng giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ Việt Nam (BUSADCO), Đồng trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo - cũng cho rằng, kỹ năng khai thác thông tin và thủ tục xác lập quyền sáng chế là những công việc mà những nhà sáng chế phải thường xuyên thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình. 

Học cách đứng trên vai "người khổng lồ"

Diễn giả - Luật sư Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Hãng luật Vũ Gia và Cộng sự đã có bài tham luận rất sâu sắc và chi tiết về việc xác lập quyền sáng chế của các cá nhân và tổ chức. Ông cho rằng, sáng chế là các giải pháp kỹ thuật được thể hiện dưới dạng một sản phẩm hay một quy trình, nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy định tự nhiên.

Theo ông, sáng chế phải có tính mới, trình độ sáng tạo và phải được áp dụng vào công nghiệp, trong đó tính mới và tính sáng tạo chính là một phần cốt yếu để tạo nên sáng chế. Ngoài ra, Luật sư Vũ Mạnh Hùng còn thể hiện các quy trình để xác lập quyền sáng chế bằng các sơ đồ tư duy để dễ dàng truyền tải đến các nhà sáng chế tham gia tập huấn, từ đó giúp nhà sáng chế tiếp cận gần hơn đến việc đăng kí cho mình một sáng chế độc đáo riêng biệt.

7
Gần 200 khách mời bao gồm các quý vị khách quý, quí vị học viên đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà sáng chế.

Chúng ta hay nghe những câu nói như, đón đầu công nghệ đi tắt công nghệ hay đứng trên vai người khổng lồ, thế nhưng trên thực tế chỉ có cách đi lên bằng tài sản trí tuệ, và tài sản trí tuệ đó trong công nghệ chỉ có thể là sáng chế, từ đó ta có thể tạo ra tài sản cá nhân và doanh nghiệp, thậm chí là tạo ra nguồn lực cho quốc gia”, ông Hùng nhấn mạnh.

Nghệ thuật phòng ngừa rủi ro trong đầu tư công nghệ

Trong chuyên đề 2, bài tham luận của Diễn giả Đoàn Thu Trang - Trưởng đại diện của Questel tại Việt Nam với chủ đề Kỹ năng tra cứu thông tin sáng chế đã cho năm bước tiến hành tra cứu, bao gồm: Phân loại tra cứu, phương pháp tra cứu, nguồn thông tin tra cứu, phương tiện để thực hiện tra cứu và thẩm định tra cứu sáng chế chất lượng và cuối cùng là thực hành tra cứu.

Bà Trang nhận định rằng, việc phân loại tra cứu là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong quá trình tra cứu sáng chế, đặc biệt hơn bà gọi đó là “nghệ thuật phòng ngừa rủi ro trong đầu tư công nghệ”. Bên cạnh đó, để có thêm nguồn tư liệu cho các nhà sáng chế trong quá trình sáng chế, diễn giả cũng đã chia sẻ một số website trong và ngoài nước để phục vụ cho việc tra cứu, ưu và nhược điểm của mỗi loại website cũng là một kiến thức rất bổ ích và phục vụ rất nhiều trong quá trình sáng chế của các cá nhân và tổ chức.

Minh Quân

Minh Quân