Quyền sở hữu trí tuệ là bệ phóng của khởi nghiệp sáng tạo
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2021, Hội sáng chế Việt Nam kết hợp với Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo; Làng Dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng; Làng Công nghệ Giải trí và truyền thông; và Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.
Đến dự với hội thảo có: GS, TS. Trần Quốc Thắng - Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam; TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ; và TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, cùng đại diện Trưởng Làng và Đồng Trưởng làng của 16 Làng công nghệ trong Techfest 2021 và hơn 200 đại biểu là các diễn giả và các khách mời đến từ các cơ quan, ban ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến chương trình.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thế nhưng theo ông, hiện nay các nhóm khởi nghiệp thường chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ, hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
“Quyền sở hữu trí tuệ là công cụ mạnh cho đổi mới sáng tạo, tạo ra hành lang pháp lý cho việc bảo hộ và bảo vệ tài sản trí tuệ, đây chính là một loại tài sản quan trọng của doanh nghiệp, giúp tạo ra tính độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và cho cả một quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nói chung”, ông Hồng nói.
Trong khi đó, diễn giả Trần Giang Khuê - Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cho biết, Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó nhiều doanh nghiệp gọi vốn thành công trên thị trường.
Ông đặc biệt lưu ý việc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là dựa trên các sáng chế, công nghệ, tài sản trí tuệ và mô hình kinh doanh mới; trong đó đổi mới sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng, đột phá và quyền sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra yếu tố pháp lý ổn định và bền vững.
"Việc đổi mới sáng tạo cần dựa trên tri thức sẵn có “đứng trên vai người khổng lồ” hoặc tạo mới hoàn toàn những sản phẩm, dịch vụ, quy trình, mô hình, phương pháp… đồng thời phải ứng dụng được vào đời sống, vào thị trường và đem lại lợi ích vật chất, tinh thần cho con người", ông Khuê nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, ông Vũ Mạnh Hùng - đồng Trưởng Làng Dịch vụ hỗ trợ và kết nối cộng đồng đã nêu lên một số quan điểm của mình về vấn đề khung pháp lý hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đây là những thông tin thiết thực của pháp luật trong việc bảo vệ các sáng chế và quyền lợi hợp pháp của nhà sáng chế, của doanh nghiệp khởi nghiệp.
Việc chuyển giao công nghệ sẽ lan tỏa sáng chế đến cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội ngày càng phát triển và rộng mở, không để các sáng chế trở nên vô nghĩa. Thế nhưng vẫn còn tồn đọng một số vấn đề về quy chế pháp luật như chuyển giao cho bên thứ ba hay phạm vi chuyển giao công nghệ mà đòi hỏi pháp luật cần kỹ lưỡng và chi tiết hơn nhằm đảm bảo có thể bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sáng chế và doanh nghiệp.
Từ ý tưởng đổi mới sáng tạo đến thị trường
Ông Đỗ Hùng – Trưởng Làng Sinh viên và Tuổi trẻ khởi nghiệp khẳng định sáng chế, công nghệ và các tài sản trí tuệ mới rất quan trọng với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, quan trọng là các doanh nghiệp phải gắn được sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của mình với thị trường, đánh đúng nhu cầu của khách hàng và bán cái mà xã hội cần.
Cùng với quan điểm này, diễn giả Bạch Kim Khương – Hội viên Hội Sáng chế Việt Nam cũng chia sẻ về quá trình đổi mới sáng tạo, tạo ra và đăng ký sáng chế, đưa các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ra đến thị trường. Ông nhấn mạnh tính hữu ích của các giải pháp được tích hợp trong sản phẩm của mình, để sản phẩm có thể đi vào được thị trường Việt Nam cũng như Mỹ và các nước, đặc biệt là việc cấp bằng sáng chế sẽ như tấm giấy thông hành để sản phẩm dễ đi qua nhiều cánh cửa, hàng rào kỹ thuật.
Còn ông Nguyễn Huy Du – Đồng Trưởng Làng Công nghệ Giải trí và truyền thông thì khẳng định, cần truyền thông, quảng bá sâu rộng cho công chúng, cho khách hàng biết về giá trị khác biệt, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và cả thương hiệu của cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, có thể nhanh đưa sáng chế, tài sản trí tuệ ra đến thị trường. “Thà mất một đồng cho truyền thông, còn hơn mất nốt 9 đồng còn lại vì không làm truyền thông”, ông Du nhấn mạnh.
Cuối buổi hội thảo, ông Phùng Minh Hải – Trưởng nhóm Cuộc thi, Vinh danh, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng giới thiệu về cuộc thi “Giải pháp thương mại hóa sáng chế 2021” nhằm tìm kiếm các phương án, cách thức áp dụng các bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích vào thực tiễn từ đó tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Đồng thời, cũng tổ chức vinh danh “Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2021” để tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp cho hoạt động sáng chế trong thời gian gần đây, khuyến khích gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam và từng bước xây dựng, hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Nhật Linh