Nên sản xuất phi tập trung
Các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất hơn 3 tháng qua phải hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa dẫn đến tình trạng người lao động thất nghiệp gia tăng. Nhiều người vì không thể trụ lại thành phố quyết định về quê. Trong khi đó, theo lộ trình dự kiến đến tháng 10/2021 tình hình chống dịch mới có những bước đầu khả quan, các doanh nghiệp có thể quay lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, thời điểm này lại rơi vào giai đoạn cận Tết, cùng với tâm lý lo lắng, người lao động sẽ chần chừ trong việc quay lại các đô thị công nghiệp để làm việc. Trong khi đó, các địa phương khác cũng đang hỗ trợ người lao động trở về quê ổn định cuộc sống. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sau dịch ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,… Đây là bài toán khó đặt ra cho chính quyền các tỉnh công nghiệp và doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị sản xuất cần số lượng lao động lớn.
Nhận định về tình trạng này, ông Lương Hoàng Hưng - Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi cách nhìn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải thay đổi từ kinh doanh tập trung sang phi tập trung.
“Một số doanh nghiệp trước dịch đã hoạt động dưới hình thức phi tập trung, phân tán hàng hóa khắp nơi, không tụ vào một mối. Nên khi dịch xảy ra, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, họ vẫn có thể tổ chức hoạt động, giao hàng cho khắp nơi, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Hưng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó chủ tịch Hội Truyền Thông Số Việt Nam nhận xét, trước đây các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn chỉ muốn sản xuất tập trung để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, dịch xảy ra đã làm thay đổi gần như toàn bộ nhận thức kinh doanh cũ. Doanh nghiệp cần suy nghĩ đến việc phân tán nhà máy sản xuất, đặc biệt khi câu chuyện đưa các ca nhiễm Covid-19 về số 0 là điều không thể.
“Càng tập trung càng dễ lây nhiễm, bị phong tỏa toàn bộ. Trong khi đó phi tập trung thì nguồn hàng tốt hơn, không bị đứt gãy nguồn lao động. Khi một nơi bị phong tỏa, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh sản xuất ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa”, ông Thắng nói.
Kỳ vọng sự phục hồi thần kỳ sau dịch
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét, dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề. Trong đó, TP.HCM là địa phương “thấm đòn” nhất với hàng chục nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường chỉ sau 3 tháng giãn cách xã hội. Những doanh nghiệp còn có thể tiếp tục hoạt động cũng lâm vào cảnh chật vật.
Ông Dũng nhận xét, trước khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát mạnh mẽ, Việt Nam chưa từng trải qua kịch bản tương tự, vì vậy không có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm để dự đoán tình hình. Các phương án đưa ra đôi lúc còn lúng túng, chưa toàn diện dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp.
“Để khôi phục hoạt động, chúng tôi đã hỗ trợ để các sàn, đơn vị phối hợp với nhau, thúc đẩy nối lại sản xuất ở các khu công nghiệp, xây dựng những chương trình, hàn gắn lại chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Khi có khó khăn nào, doanh nghiệp sẽ cùng nhau đưa ra phương án để có thể giải quyết”, ông Dũng nói.
Tuy sẽ gặp nhiều khó khăn sắp tới, nhưng theo ông Dũng, một tín hiệu tích cực là những tiểu thương trước đây chưa từng biết đến chuyển đổi số, hiện cũng đã có những động thái mạnh mẽ, tương tác và tham gia các hoạt động bán hàng online.
Trong khi đó, Giáo Sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Tổ Hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management chia sẻ, dịch bệnh gây ảnh hưởng đến toàn thế giới, từ nước lớn đến nước nhỏ chứ không riêng bất kỳ quốc gia nào. Trong 6 tháng tới, dù Chính phủ Việt Nam bớt giãn cách, nhưng các doanh nghiệp cũng chưa dám hoạt động mạnh mẽ mà sẽ cầm chừng, quan sát tình hình.
“Các doanh nghiệp nên mạnh dạn bỏ bớt những hoạt động phát sinh chi phí mà không có lợi nhuận, liên kết với các doanh nghiệp khác để trở thành nhóm sản xuất, đầu tư với nhau”, ông Vinh nói.
Đặc biệt, ông Vinh cho rằng, trước đại dịch, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong 10 năm với tốc độ tăng trưởng cao hơn các nước lớn trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam sẽ sớm trở lại tốc độ phát triển như năm 2019 sau khi dịch qua đi.
Nhật Linh