TP.HCM sẽ công bố kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trước ngày 15/9

Trần Nhật Linh
Trong Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sẽ công bố trước 15/9.

Theo ông Mãi, việc tái khởi động lại nền kinh tế là một vấn đề lớn, không chỉ đối với các chủ cơ sở kinh doanh mà còn đối với lao động. 

Do dịch Covid-19, các doanh nghiệp sẽ khó khăn về vốn, vì vậy thành phố đã kiến nghị với ngân hàng Nhà nước có chính sách giảm nợ, lãi vay, giãn nợ hoặc cho vay các gói mới để doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh. Bên cạnh đó, thành phố cũng có những cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng, doanh nghiệp, người vay... để đưa các phương án hỗ trợ.

"Thành phố sẽ có những chương trình hỗ trợ lãi suất như vay kích cầu để hỗ trợ một phần nguồn vốn cho các doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh, các gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện, nước, kế hoạch này sẽ công bố trước 15/9", ông Mãi nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều lao động ở các doanh nghiệp đã về quê khó quay lại thành phố trong thời điểm hiện tại. Thành phố sẽ phối hợp với các địa phương để có phương án giải quyết. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người lao động để có nguồn nhân lực, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Về định hướng sau ngày 15/9, ông Phan Văn Mãi cho biết, hiện chính quyền thành phố vẫn đang nỗ lực thực hiện kiểm soát dịch bệnh, mục tiêu khống chế được dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chúng ta sẽ tiếp tục siết chặt nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, việc có nới lỏng hay không phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh. Chúng ta chỉ nới lỏng giãn cách khi đảm bảo an toàn, an toàn đến đâu mở đến đó. Nếu ảnh hưởng tính mạng người dân thì việc giãn cách thời gian qua không còn ý nghĩa”, ông Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Mãi, nếu đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 và tùy diễn biến dịch bệnh, thành phố dự kiến sẽ bắt đầu thí điểm một số dịch vụ được mở ra, như việc cho phép bán thức ăn mang về.

Tuy nhiên, do đang sống trong điều kiện có dịch, vì vậy mọi sinh hoạt và sản xuất sẽ diễn ra có điều kiện, đảm bảo an toàn. Tiêm vắc xin là một trong những điều kiện được hoạt động, nhưng tiêm vắc xin 2 mũi không có nghĩa là không bị nhiễm, vì vậy sẽ kèm theo các điều kiện không tụ tập đông người, dùng khẩu trang.

Hiện thành phố đang xây dựng bộ tiêu chí an toàn, dựa trên một số đề xuất như số ca nhiễm, số ca tử vong, ngưỡng chịu đựng của ngành y tế, tỷ lệ tiêm vắc xin,… để có những định hướng cụ thể.

phan-van-mai1
Chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” có sự tham gia của ông Phan Văn Mãi.

Còn từ giờ đến 15/9, cơ bản chúng ta vẫn thực hiện giãn cách như lâu nay, nhưng có điều chỉnh. Hệ thống siêu thị, chuỗi cung ứng sẽ được mở đến xã, phường, thị trấn. Ở vùng xanh thì người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần, trong gia đình những người tiêm vắc xin sẽ đi chợ. Vùng đỏ thì shipper đi chợ”, ông Mãi nói.

Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 2 điểm trung chuyển hàng hóa, lương thực lớn là chợ Bình Điền và Hóc Môn.

Ông Mãi chia sẻ thêm, sau 14 ngày thực hiện các biện pháp siết chặt việc giãn cách xã hội (từ ngày 23/8 đến ngày 5/9), đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân và toàn cảnh nền kinh tế của thành phố.

Nhận định về nguyên nhân dù đã thực hiện giãn cách xã hội nhưng các ca bệnh vẫn gia tăng, ông Mãi cho rằng, chủng Delta là chủng mới, tốc độ lây lan nhanh, có diễn biến phức tạp mà hầu như cả thế giới chưa hiểu hết. Vì vậy, việc ứng phó ban đầu đôi lúc chưa kịp thời.

Sau khi hiểu được quy luật của chủng Delta, thành phố đã thực hiện các biện pháp giãn cách kịp thời, triệt để cách ly như “ai ở đâu ở yên đó”, khẩn trương xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng, hiện tình hình đã được cải thiện hơn.

Nguyên nhân số ca nhiễm còn cao cũng do một số địa bàn làm chưa nghiêm trong việc giãn cách, các hoạt động xét nghiệm chưa tốt dẫn đến việc để lây lan dịch bệnh”, ông Phan Văn Mãi nói.

Nhật Linh

Nhật Linh