Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch với 20 tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng nề như Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định không thể khống chế dịch hoàn toàn, mà phải có phương án sống chung với nó. Nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra đồng tình với ý kiến này của Thủ tướng.
Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10, ngành dệt may sử dụng rất nhiều lao động, thế nên phải thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị. Tuy nhiên, mỗi địa phương lại thực hiện các chỉ thị theo những cách khác nhau, chính vì vậy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
"Không chỉ mỗi ngành may mặc, mà rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác cũng đang gặp khó khăn, nhất là 19 tỉnh phía Nam với hơn 2 tháng giãn cách, gây rất nhiều khó khăn. Nếu như không thể quay lại phục hồi sản xuất sớm, sống chung với dịch thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất là cao", ông Việt nhận định.
Theo ông Việt, nếu một doanh nghiệp có vài chục nghìn lao động mà “chết” không chỉ là câu chuyện buồn cho nền kinh tế, mà còn cho cả đời sống, an sinh xã hội của người lao động. Vì vậy, cần xác định không thể nào chống dịch được tuyệt đối, mà chúng phải xác định sống chung với dịch và đảm bảo an toàn.
"Tôi cho rằng chính nhận định này của Thủ tướng đã mở ra được một nút gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi", ông Việt nói.
Ông Việt đề xuất cho phép doanh nghiệp được tự chủ trong việc cách ly F0 tại nơi làm việc, đồng thời Chính phủ nên đẩy nhanh việc tiêm vắc xin. Nếu không có vắc xin, dù chính phủ có đưa ra câu chuyện sống chung với dịch thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng tắt - mở nền kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội da giầy và túi xách Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có sự hướng dẫn cụ thể về y tế cho đội ngũ doanh nghiệp để doanh nghiệp tự xây dựng hệ thống y tế tại chỗ.
"Trước đây các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất có vướng mắc hay khó khăn nào thì chủ động báo cáo ngay với chính quyền, y tế nhưng cũng mất từ 3 - 5 ngày. Nếu doanh nghiệp được đào tạo, có cơ sợ vật chất có thể chủ động ứng phó trong tình huống khẩn cấp có thể thể yên tâm hoạt động", bà Xuân nói.
Chia sẻ về các giải pháp để doanh nghiệp có thể an tâm sống an toàn với dịch, TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, muốn chung sống được với dịch phải đưa vắc xin vào doanh nghiệp.
"Chúng ta không nên hiểu quá tác dụng của vắc xin rằng có thể ngăn ngừa bệnh, nhưng người được tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm, sự lây lan giống nhau, nhưng làm giảm triệu chứng, giảm mức độ tử vong. Một doanh nghiệp tiêm vắc xin cho công nhân sẽ không bị trở nặng, không phải đi viện và vẫn có thể lao động sau khi khỏi bệnh", TS Phu nói.
TS Phu đề xuất Nhà nước phải luôn luôn cập nhật tình hình để tháo gỡ ngay lập tức những khó khăn của doanh nghiệp, đảm bảo dịch bệnh nhưng không đứt chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có mô hình an toàn, phù hợp để thích ứng trong tình hình dịch bệnh, trong điều kiện của những địa phương đặt nhà máy.
Nhật Linh