Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang vay nóng để trả lãi ngân hàng

Trần Nhật Linh
HoREA cho biết nhiều doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bất động sản phải vay nóng để đóng lãi ngân hàng đến hạn nếu không muốn bị rơi vào nhóm nợ xấu.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 7 - 8% GDP cả nước và có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác nhau, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp bất động sản chưa được các ngân hàng xem xét hỗ trợ thỏa đáng, vì vẫn bị coi là lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro.

Chính vì vậy, việc thiếu dòng tiền là khó khăn trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp không có tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Trong khi đó, các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị “đứng hình”, giao dịch bị sụt giảm mạnh, doanh số bán hàng sụt giảm và không thể huy động được vốn như trước đây.

HoREA cho rằng, việc thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến tín dụng, vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.

du-an

Mỗi một ngày qua đi, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải vay nóng trả lương, duy trì hoạt động tối thiểu để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn. Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng tự động chuyển sang nợ xấu, hoặc nhóm nợ xấu hơn. Nếu bị xếp loại nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào bế tắc vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn.

"Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi doanh nghiệp phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến thiếu dòng tiền, nên doanh nghiệp có thể bị chết trên đống tài sản của chính mình", HoREA nhận xét.

HoREA khẳng định, các doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật; kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh. Như vậy, doanh nghiệp và thị trường bất động sản sẽ từng bước phục hồi và phát triển trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng (doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp bất động sản, hộ gia đình, cá nhân) và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.

Việc xem xét cho khách hàng được vay vốn mới, sẽ hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào và tiếp cận các khoản vay mới, có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

"Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là hợp lý hợp tình, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên", HoREA nhấn mạnh.

Đồng thời, HoREA kiến nghị Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua dịch Covid-19 lần này, đặc biệt là vướng mắc một số quy định pháp luật, quy trình thủ tục hành chính chồng chéo đối với các dự án nhà ở thương mại.

Nhật Linh

Nhật Linh