Từ cơn sốt ChatGPT: Quyền tác giả trong sáng tác bằng trí tuệ nhân tạo

Nguyễn Thị Thanh Thảo
Việc tạo ra tác phẩm với sự hỗ trợ của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT ngày càng phổ biến. Tuy nhiên điều này lại đặt ra những câu hỏi về tính pháp lý trong việc bảo vệ và công nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm.

ChatGPT (Generative Pretraining Transformer) là một chatbot ra mắt vào ngày 30/11/2022 do OpenAI phát triển. ChatGPT có thể trả lời các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bên cạnh đó còn có thể làm thơ, viết báo cáo, làm tiểu luận,… Cho đến nay, ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người dùng, nhiều nhà xuất bản, các tạp chí khoa học và các trường đại học đã cấm hoặc hạn chế người dùng sử dụng công cụ này.

Trên mạng xã hội, ChatGPT đã tạo ra một cơn sốt cho người dùng. Nhiều người thậm chí còn cho rằng chatbot này có thể thay thế công việc của con người trong lĩnh vực giáo dục, báo chí - truyền thông, hành chính,...

Chưa ghi nhận quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI

Trước đó, Springer-Nature - một đơn vị xuất bản tạp chí - đã đưa ra chính sách ChatGPT không được liệt kê là tác giả. Thế nhưng, đơn vị trên cho phép công cụ này hoặc các công cụ tương tự vẫn có thể sử dụng ở các khâu chuẩn bị bài báo. Tuy nhiên, bản thảo phải chứng minh đầy đủ mức độ đóng góp của trí tuệ nhân tạo (AI).

Mới đây, Tạp chí Science cũng cập nhật chính sách xuất bản, trong đó cấm các tác giả sử dụng văn bản do ChatGPT viết và chatbot không được ghi nhận là một tác giả. Holden Thorp - Tổng Biên tập Tạp chí Science - cho rằng những sản phẩm văn bản sử dụng ChatGPT là đạo văn. Bên cạnh đó, việc ChatGPT còn mắc nhiều lỗi và các nhà khoa học trở nên phụ thuộc vào chương trình của trí tuệ nhân tạo sẽ khiến những thông tin về bối cảnh và chiều sâu nghiên cứu của họ bị mất đi.

Tại Việt Nam hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp có tác giả sử dụng văn bản do ChatGPT viết để xuất bản cũng như đăng ký các tác phẩm sáng tạo thông qua AI. Song, với mục đích bảo vệ quyền của tác giả đối với các thành quả của hoạt động sáng tạo, Việt Nam đã ghi nhận cũng như nội luật hóa các quy định tại Công ước Berne về quyền tác giả.

screenshot-2023-02-03-132757-1536-1675474015.png
Năm 2019, Microsoft rót một tỷ USD vào OpenAI. Ảnh: CNET

Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc – Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (VIPA) - quy định pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến các tác phẩm được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo hoặc dựa trên các nền tảng AI như ChatGPT.

Tuy nhiên, theo Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019 và 2022, khái niệm "tác giả" vẫn chỉ có thể là con người tự nhiên, là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm.

Trong cách hiểu thông thường, sáng tạo tác phẩm được hiểu là quá trình tác giả trực tiếp sử dụng những kỹ năng của bản thân như viết, vẽ, ngâm thơ, phổ nhạc… nhằm tạo ra tác phẩm thông qua các công cụ như giấy, bút, mực, máy ảnh, thậm chí máy tính, phần mềm… và thể hiện dấu ấn cá nhân như phong cách hội họa, văn phong của tác giả trong tác phẩm.

Theo đó, với những quy định pháp luật hiện hành và cách hiểu thông thường về sáng tạo tác phẩm, các tác phẩm do AI tạo ra mà không có bất kỳ đóng góp đáng kể nào của tác giả là con người tự nhiên bằng các kỹ năng bản thân, không mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong tác phẩm thì có thể không được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, rõ ràng các cơ quan Nhà nước về sở hữu trí tuệ cần có sự giải thích cụ thể hơn về pháp luật Việt Nam áp dụng cho trường hợp này. Nhìn rộng ra, các vụ việc liên quan tới các sáng tạo của AI hoặc với sự hỗ trợ của AI sẽ xảy ra tại Việt Nam (như đã xảy ra trên thế giới trong thời gian gần đây) là điều không thể tránh khỏi trong tương lai gần.

Đồng tình với ý kiến về quyền tác giả hiện nay, luật sư Huỳnh Duy Toàn (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho biết một trong những điều kiện để tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ đó là "phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác".

"Với quy định hiện hành về chủ thể của quyền tác giả bị giới hạn như nêu ở trên thì AI, robot hay các hình thức tương tự bị loại trừ khả năng được xem là tác giả. Do đó, tác phẩm do chúng tạo ra chưa đủ điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả", luật sư Huỳnh Duy Toàn cho biết.

Cần xác định ranh giới đóng góp của AI

Xét về điều kiện bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm, Công ước Berne hay pháp luật Việt Nam đều đưa ra các yếu tố để xác định một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, đó là: (i) Được thể hiện dưới một hình thức nhất định; (ii) Là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần; và (iii) Tác phẩm phải mang tính nguyên gốc, tức là không sao chép tác phẩm của người khác và mang tính sáng tạo.

Như vậy, nếu như tác giả sáng tạo một tác phẩm dựa trên sự hỗ trợ của các công cụ AI đáp ứng được cả 3 yếu tố nêu trên sẽ vẫn có thể được xem xét bảo hộ quyền tác giả. Điều kiện là tác giả đó có sự đóng góp, bằng các kỹ năng của bản thân thông qua hoạt động sáng tạo tinh thần vào sự hình thành tác phẩm, bên cạnh sự hỗ trợ của AI.

Theo Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc, nếu người sử dụng hoàn toàn dựa vào AI để tạo ra tác phẩm mà không có sự đóng góp thông qua các kỹ năng bản thân, thì có thể người đó sẽ không được coi là tác giả. Tuy nhiên, ranh giới xác định sự đóng góp của bản thân tác giả trong quá trình tạo ra tác phẩm thông qua AI là không dễ dàng, khi AI vẫn còn là một vấn đề mới và chưa có nhiều nghiên cứu dưới góc độ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

"Tôi cho rằng cần có các hội thảo chuyên đề về vấn đề này để người dân cũng như các cơ quan Nhà nước có liên quan có những hiểu biết và quan điểm nhất định khi phải đối mặt với những vụ việc có thể xảy ra trong tương lai", Chủ tịch VIPA Phạm Nghiêm Xuân Bắc nói.

329107881-570629334943550-2814785022809893248-n-1536-1675474015.png
ChatGPT làm thơ về ngày Tết ở Việt Nam.

Khi xem xét trường hợp cụ thể như ChatGPT, Midjourney… điều chúng ta có thể thấy là các công cụ này có phương thức hoạt động phụ thuộc phần lớn vào dữ liệu đầu vào, dựa trên việc thu thập và xử lý hệ thống thông tin khổng lồ.

Tác phẩm được tạo ra bởi các công cụ này phụ thuộc vào nội dung truy vấn của người dùng. Sau đó, các công cụ sẽ xử lý yêu cầu này và phản hồi dựa trên thông tin mà nó có sẵn. Nếu phân tích từ quy định hiện hành, quá trình tạo ra sản phẩm như trên không đáp ứng điều kiện để được bảo hộ của một tác phẩm đó là "phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình".

Theo luật sư Huỳnh Duy Toàn, pháp luật chưa ghi nhận quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI hoặc các hình thức tương tự. Song nếu xem xét AI dưới góc độ là công cụ hỗ trợ thì liệu những sản phẩm được tạo ra bởi nội dung truy vấn của con người có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

Đây vẫn còn là một vấn đề rất mới, chưa có quy định nhưng rất cần được xem xét, ghi nhận trong hệ thống pháp luật.

Việc phát triển của khoa học công nghệ đã mang đến những vấn đề phi truyền thống. Quyền tác giả xuất phát từ quan điểm để bảo vệ quyền đối với sản phẩm sáng tạo của con người. Do đó, hiện nay đa số quan điểm cho rằng tác phẩm không được tạo ra trực tiếp từ hoạt động sáng tạo của con người thì chưa cần có cơ chế khuyến khích và bảo hộ.

Nhưng với cơn sốt do ChatGPT đem đến thì có thể trong ngắn hạn, vấn đề này cần phải đánh giá lại theo tình hình thực tế, hướng tới xem xét bù đắp sự đầu tư, công sức của những doanh nghiệp phát triển AI và người dùng với kỹ năng chuyên biệt khai thác AI tạo ra sản phẩm có giá trị.