Hiểu đúng về tiền điện tử
Tiền điện tử là gì?
Tiền điện tử là một thuật toán trên nền tảng Internet có giá trị thực tế, biểu hiện dưới hình thức điện tử và được sự công nhận của chính phủ hoặc không. Nó không được biểu hiện dưới dạng tiền giấy hoặc tiền xu có thể cầm nắm được, mà thông qua các thiết bị điện tử lưu trữ như thẻ ATM, ví điện tử tài khoản ngân hàng,…
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) mô tả: Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trên một thiết bị điện tử, được sử dụng phổ biến thực hiện giao dịch thanh toán cho các tổ chức khác không phải là tổ chức phát hành.
Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) định nghĩa: Tiền điện tử là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
Ngoài ra, tiền điện tử được biểu hiện dưới dạng con số trên tài khoản mà khách hàng mở tại tổ chức phát hành hay phương tiện của thanh toán điện tử, được bảo mật bằng chữ ký điện tử. Cũng như tiền giấy, nó có chức năng là phương tiện trao đổi, mua bán và tích lũy giá trị.
Nếu như giá trị của tiền giấy được đảm bảo bởi chính phủ phát hành, thì đối với tiền điện tử giá trị của nó được tổ chức phát hành đảm bảo bằng việc cam kết sẽ chuyển đổi tiền điện tử sang tiền giấy theo yêu cầu của người sở hữu.
Phân loại tiền điện tử
Tiền điện tử hiện nay có 2 hình thức chính là pháp định và không pháp định
Tiền điện tử pháp định
Là loại tiền điện tử được chính phủ các nước phát hành và công nhận, có giá trị thanh toán giống như tiền giấy và tiền xu. Tiền điện tử chỉ tồn tại dưới hình thức điện tử/kỹ thuật số (lưu trữ trong thẻ ATM, ví điện tử, tài khoản ngân hàng...) chứ không tồn tại dưới dạng vật lý. Thông thường, tiền điện tử pháp định có giá trị trao đổi ngang bằng 1-1 với tiền giấy pháp định thông thường.
Khách hàng có thể mua sắm các loại hàng hóa, chi trả cho các dịch vụ đã sử dụng thậm chí là cả chơi game ở các địa điểm có tích hợp thanh toán online. Ví dụ như chuyển khoản tiền trong Internet Banking, chuyển tiền trong ví Momo,…
Tiền không pháp định (tiền ảo)
Tiền không pháp định hay còn gọi là tiền ảo. Đây là một loại tiền điện tử không được kiểm soát, không được phát hành bởi Chính phủ mà thường được phát hành, quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập. Loại tiền này được sử dụng và chấp nhận giữa các thành viên của một cộng đồng ảo cụ thể.
Ví dụ: tiền chơi trong game; các dạng xu, coin, token dùng để mua các sản phẩm, dịch vụ trên các website, ứng dụng thương mại điện tử, dịch vụ,...
Vào năm 2014, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã định nghĩa tiền ảo là "đại diện kỹ thuật số của giá trị không phải do Ngân hàng Trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành, cũng không nhất thiết phải gắn với tiền pháp định, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện thanh toán và có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử”.
Tiền ảo chỉ có sẵn ở dạng điện tử. Nó chỉ được lưu trữ và giao dịch thông qua phần mềm được chỉ định, ứng dụng di động, máy tính hoặc thông qua ví điện tử chuyên dụng. Các giao dịch của tiền ảo chủ yếu trên môi trường Internet.
Tiền mã hóa
Tiền mã hóa là một lớp con của tiền điện tử, là một tài sản kỹ thuật số được thiết kế để làm việc như là một trung gian trao đổi, sử dụng mật mã để đảm bảo các giao dịch, để kiểm soát việc tạo ra các đơn vị bổ sung và để xác minh việc chuyển giao tài sản.
Tính năng đặc biệt và được cho là sức hấp dẫn chính của của tiền mã hoá là bản chất phi tập trung. Tiền mã hoá không được ban hành bởi bất kỳ tổ chức hay Ngân hàng Trung ương quốc gia nào. Như vậy, về mặt lý thuyết, tiền mã hóa sẽ không chịu sự ảnh hưởng hay thao túng của Chính phủ.
Bitcoin ra đời năm 2008 chính là đồng tiền mã hóa được phát triển đầu tiên, dựa trên công nghệ chuỗi khối blockchain. Hệ thống này hoàn toàn không có sự can thiệp của bên thứ 3 với độ bảo mật siêu cao. Từ đó trở đi, Bitcoin nói riêng và tiền ảo nói chung đã phát triển rất nhanh và trở thành một "cơn sốt tài chính" khuynh đảo thị trường.
Đặc điểm của tiền điện tử
Tiền điện tử pháp định
Được pháp luật công nhận.
Tiền điện tử là tiền pháp định, có đầy đủ 3 chức năng của tiền là dự trữ, trao đổi và hạch toán. Đồng thời, tiền điện tử cũng luôn được thể hiện dưới dạng giá trị của tiền pháp định của một quốc gia (thí dụ VND, USD, SGD...). Bên cạnh đó, tiền điện tử cũng được Ngân hàng Nhà nước bảo đảm.
Tiền điện tử pháp định do chính phủ phát hành và được đảm bảo quyền sở hữu, giá trị và sự lưu hành… bằng những chế định pháp luật cụ thể.
Chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước
Tiền điện tử có thể do ngân hàng phát hành hoặc cũng có thể do tổ chức phi ngân hàng phát hành. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, các quốc gia luôn có quy định rất chặt chẽ đối với các tổ chức phát hành tiền điện tử.
Đối với các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có hệ thống các quy định chặt chẽ về an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi…
Đối với các tổ chức phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước có các quy định về cấp phép, giám sát… và thông thường phải thực hiện ký quỹ tại hệ thống ngân hàng, tương ứng với số tiền phát hành với một tỷ lệ nhất định. Thông thường, tỷ lệ ký quỹ này sẽ cao hơn nhiều so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, do các quy định an toàn áp dụng đối với các tổ chức này thấp hơn nhiều so với ngân hàng.
Tỷ lệ ký quỹ tại một số quốc gia theo cách tiếp cận thận trọng ở mức 100%. Đây cũng là điểm khác biệt mấu chốt giữa tiền ngân hàng với tiền điện tử.
Ngoài ra, Chính phủ của một quốc gia sẽ nắm quyền quản lý thông qua ngân hàng trung ương, nghĩa là chính phủ có quyền truy cập, nắm rõ thông tin chính danh của những giao dịch này và điều chỉnh những hành vi phạm pháp như mua bán hàng cấm, rửa tiền, sử dụng tiền giả…
Có giá trị tương đương tiền mặt
Tiền điện tử chỉ được lưu trữ trong các sản phẩm điện tử gồm 2 loại: Phần cứng như thẻ chíp, điện thoại thông minh gắn chíp và dữ liệu dựa trên phần mềm như ví điện tử Paypal, ví điện tử Momo,…
Tiền điện tửc có thể dùng để định giá, trao đổi hàng hóa và phục vụ cuộc sống bình thường qua các thiết bị điện tử. Có giá trị tương đương với dạng tiền pháp định bằng giấy, polyme hoặc xu.
Có thể quy đổi ra tiền mặt
Khi người dùng có nhu cầu sử dụng tiền mặt, tiền điện tử có thể đổi ra dạng tiền giấy, tiền polymer hoặc xu…
Tiền điện tử không pháp định (tiền ảo)
Về tính đảm bảo
Không được Ngân hàng Trung ương phát hành, không được Nhà nước bảo hộ và đảm bảo quyền sở hữu.
Về tính bảo mật
Tiền ảo sử dụng lưu trữ dữ liệu phi tập trung trên nền tảng của blockchain, mã hóa theo chuỗi và khi mã hóa có sự kế thừa. Do đó, tiến trình ghi nhận giao dịch là liên tục và không thể sửa chữa.
Tiêu hao năng lượng
Do phải trả thu nhập/trả thưởng cho các máy tính tham gia hệ thống (quá trình đào) với phần thưởng cố định theo thời gian. Do đó, khi các máy tính (máy đào) tham gia hệ thống càng nhiều và càng tăng tốc độ xử lý thì xác suất nhận thu nhập/phần thưởng ngày càng giảm. Điều này đồng nghĩa với việc công suất vô công của cả hệ thống ngày càng lớn, gây lãng phí năng lượng.
Độ phổ biến: Không có giá trị thực tiễn, chỉ được chấp nhận sử dụng trong một cộng đồng hoặc môi trường cụ thể.
Về thanh toán
Tiền ảo có thể thanh toán không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, có thể thực hiện việc chuyển tiền trong và ngoài nước một cách nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp... Hiện nay, việc chuyển tiền truyền thống ra nước ngoài cần phải qua nhiều thủ tục và thời gian (thường từ 1 - 8 ngày làm việc) với phí xử lý tương đối cao. Chính phủ cũng có quy định cụ thể về hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài đối với mỗi đối tượng cụ thể.
Tiền ảo cũng không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định.
Tiền ảo tồn tại phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số.
Tiền điện tử có thể sử dụng làm gì?
Thanh toán hàng hóa, tiêu dùng
Tiền điện tử hiện nay có thể được dùng để mua hàng hóa như tiền giấy thông qua hình thức thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản qua ví điện tử. Điểm khác biệt của tiền điện tử so với các loại tiền giấy truyền thống là không có tiền xu hoặc tiền giấy vật chất. Những giao dịch tiền điện tử được thực hiên trên môi trường Internet.
Đối với tiền ảo, trước đây việc tìm thấy một cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo là rất khó. Tuy nhiên hiện nay, ngoài những đồng tiền pháp định, tiền ảo cũng có thể được sử dụng để mua hàng hóa.
Có rất nhiều cửa hàng trên thế giới, cả trực tuyến hay offline chấp nhận Bitcoin là hình thức thanh toán hợp lệ. Từ những nhà bán lẻ trực tuyến lớn như Overstock và Newegg cho tới những cửa hàng, quán bar, nhà hàng địa phương. Bitcoins có thể được dùng để thanh toán phòng khách sạn, đặt vé máy bay, mua trang sức, mua ứng dụng, thiết bị máy tính và thậm chí là bằng đại học.
Hiện nay cũng đã có nhiều đồng tiền kỹ thuật số khác nổi lên như Litecoin, XRP, Ethereum, song, Bitcoin vẫn chiếm vị trí độc tôn về hình thức thanh toán. Mọi chuyện đang dần thay đổi khi gần đây, Apple đã hỗ trợ thanh toán 10 đồng điện tử khác nhau trên AppStore.
Trên thế giới hiện tại đã có hai thị trường chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo là Bitify và OpenBazaar.
Dùng để lưu trữ tài sản
Theo Investopedia, đã có hơn 4.000 loại tiền điện tử được lưu hành vào đầu năm 2021. Ngày càng có nhiều loại tiền điện tử được tung ra thị trường. Các đơn vị tiền điện tử có thể được mua từ các nhà môi giới hoặc thông qua một quy trình trực tuyến được gọi là "đào". Sau đó được sử dụng để thực hiện thanh toán hoặc lưu trữ tài sản.
Giống như vàng hoặc kim cương, tiền điện tử không pháp định là một loại hàng hóa có thể giao dịch. Nhiều người thích sử dụng chúng hơn các loại tiền truyền thống vì chúng không bị kiểm soát hoặc quản lý bởi chính phủ hoặc ngân hàng, các giao dịch được ẩn danh.
Ví dụ Bitcoin, mỗi đồng xu về cơ bản là một tệp máy tính được lưu trữ trong một "ví" kỹ thuật số và được truy cập bằng các ứng dụng trên điện thoại hoặc các thiết bị hỗ trợ internet. Các tệp này có thể chuyển (toàn bộ hoặc một phần) từ người này sang người khác thông qua blockchain. Mặc dù không phải tất cả đều hoạt động theo cùng một cách, nhưng hầu hết các tiền điện tử không pháp định đều sử dụng công nghệ blockchain để thực hiện các giao dịch an toàn.
Bạn có thể mua Bitcoin hoặc các loại tiền điện tử không pháp định khác bằng tiền truyền thống, thông qua ngân hàng khi giá trị của chúng thấp hơn so với tiền mặt truyền thông. Sau đó, khi giá Bitcoin lên cao hơn tiền truyền thông, người sở hữu tiền ảo có thể bán ra để thu lời.
Hiệu quả của tiền điện tử pháp định
Về mặt thanh toán
Tiền điện tử pháp định đã tạo ra một mô hình thanh toán và thanh toán liên ngân hàng hoàn toàn mới, có thể tối ưu hóa chức năng thanh toán; nếu nó được tích hợp hiệu quả với các công cụ tài chính khác như thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa, thị trường vốn...
Tiền điện tử của ngân hàng trung ương phát hành sẽ giúp tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả không chỉ đối với nhà nước mà còn đối với các đơn vị trung gian như ngân hàng, các tổ chức tín dụng...
Chính sách tiền tệ
Lãi suất tiền điện tử của ngân hàng trung ương có thể trở thành một công cụ chính sách tiền tệ mới. Ngân hàng trung ương có thể thông qua việc điều chỉnh lãi suất tiền điện tử để điều chỉnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại.
Phát hành tiền điện tử
Chi phí phát hành tiền điện tử sẽ ít hơn nhiều lần chi phí in ấn, bảo quản, vận chuyển và phát hành tiền mặt. Đồng thời cũng giảm thiểu rất nhiều nhân viên kiểm đếm, gói buộc cũng như các công việc hậu kỳ của tiền mặt như kiểm tra, lập biên bản thu hồi những tờ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông và quy trình tiêu hủy.
Việc phát hành hay thu hồi tiền điện tử cũng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khi có lệnh phát hành, gần như tức thời các ngân hàng thương mại có ngay tiền để chi dùng.
Ngân hàng trung ương giữ vai trò phát hành và đưa ra lưu thông, duy trì sự tồn tại và tính trung lập của toàn hệ thống.
Việc sử dụng tiền điện tử trên thế giới
Tính đến năm 2016, hơn 24 quốc gia đang đầu tư vào các công nghệ sổ cái phân tán (DLT) với 1,4 tỷ USD. Ngoài ra, hơn 90 Ngân hàng Trung ương đang tham gia vào các cuộc thảo luận DLT, bao gồm cả ý nghĩa của việc phát triển tiền điện tử - một loại tiền ở hình thức kỹ thuật số của tiền pháp định, được thiết lập theo quy định của Chính phủ.
Đồng e-Euro sắp phát hành
Đồng e-Euro sẽ được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng quốc gia. Đồng e-Euro sẽ không thay thế tiền mặt, mà tồn tại song song với hệ thống tiền mặt.
Báo cáo về đồng e-Euro của ECB (tháng 10/2020) cho thấy, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đang thay đổi nhanh chóng do cuộc khủng hoảng Covid-19. Theo đó, những người trẻ tuổi ở châu Âu sử dụng thanh toán điện tử ngày càng nhiều, tuy nhiên họ vẫn lo ngại về vấn đề bảo mật, bao gồm cả đảm bảo sự riêng tư cho người sử dụng và tốc độ kết nối, sự ổn định của kết nối.
ECB cũng cho biết e-Euro được phát hành để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế. Do đó đồng tiền này phải theo kịp tốc độ với công nghệ hiện đại mọi lúc, để giải quyết tốt nhất các nhu cầu liên quan đến thị trường.
Bên cạnh đó là khả năng sử dụng thuận tiện, tốc độ, chi phí hiệu quả. Mục đích phát hành e-Euro là để góp phần giảm bớt giao dịch tiền mặt nên nó phải thực hiện được các giao dịch thanh toán mà không cần kết nối mạng.
Ngoài ra, nó phải dễ sử dụng cho cộng đồng thiểu số như người già, người khuyết tật; hoàn toàn miễn phí cho các giao dịch cơ bản trong cuộc sống của người dân và đảm bảo quyền riêng tư.
Trong tương lai, đồng e-Euro phải từng bước trở thành đồng tiền thay thế cho đồng tiền Euro vật lý hiện tại trên nhiều lĩnh vực: là phương tiện trao đổi và là phương tiện để tích trữ (để dành, tiết kiệm…). Muốn vậy, cần phải đảm bảo việc cung cấp thanh toán điện tử cho các ngân hàng trung ương nước ngoài hoặc các cá nhân, tổ chức nằm ngoài khu vực châu Âu. Công dân châu Âu phải có thể sử dụng đồng tiền e-Euro ở bất kỳ đâu trên mạng thanh toán điện tử toàn cầu...
Kế hoạch phát hành đồng e-Euro là một bước tiến quan trọng của Liên minh châu Âu trong việc hình thành môi trường thanh toán không dùng tiền mặt và không phụ thuộc vào mạng internet. Châu Âu cũng có tham vọng rất lớn về việc phổ biến e-Euro ra toàn cầu.
Đan Mạch
Theo ghi nhận, gần 1/3 dân số Đan Mạch sử dụng MobilePay, một ứng dụng điện thoại thông minh để chuyển tiền. Chính phủ Đan Mạch đề xuất loại bỏ việc các nhà bán lẻ được lựa chọn chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, đưa đất nước đến gần hơn với nền kinh tế "không tiền mặt". Phòng Thương mại Đan Mạch đang ủng hộ động thái này.
Canada
Tháng 2/2020, Ngân hàng Trung ương Canada công bố kế hoạch chi tiết cho tiền tệ điện tử của Ngân hàng Ttrung ương. Theo đó, Canada cho rằng, nếu một hoặc nhiều loại tiền mã hóa được sử dụng rộng rãi như một loại tiền thay thế cho đồng đô la Canada, thì Ngân hàng Trung ương phát hành tiền điện tử sẽ giúp bảo vệ chủ quyền tiền tệ.
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương cũng nhanh chóng trấn an người dân Canada rằng tiền mặt của họ sẽ không bị lỗi thời sớm và đảm bảo rằng tiền giấy vẫn sẽ có sẵn cho những người muốn sử dụng chúng.
Thụy Điển
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển Riksbank vào tháng 2/2020 đã thông báo bắt đầu thử nghiệm tiền e-krona điện tử, đưa nước này tới gần hơn việc thiết lập tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương đầu tiên trên thế giới.
Riksbank cho biết nếu e-krona được đưa vào lưu thông, nó sẽ được dùng để thúc đẩy các nghiệp vụ ngân hàng như thanh toán, gửi tiền, rút tiền từ ví điện tử. Chương trình thí điểm sẽ hoạt động trong một năm, cho đến tháng 2/2021.
Trung Quốc
Sau gần 2 năm công bố chính thức về nghiên cứu đồng Nhân dân tệ điện tử, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu thử nghiệm thanh toán điện tử dùng tiền điện tử (gọi tắt là DCEP) từ đầu tháng 5/2020. Trước mắt, tiền điện tử được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch, khách sạn, sau đó sẽ mở rộng ra các thành phần khác.
Trong tương lai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có những dự kiến về giới hạn sử dụng như giới hạn tổng số tiền chi tiêu trong mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày hoặc miễn phí cho những giao dịch nhỏ và không lặp lại, tính phí cho những giao dịch lớn hoặc lặp lại. Dự kiến sẽ có 4 mức/loại ví khác nhau, mỗi loại ví có giới hạn số tiền giao dịch hàng ngày, hàng năm và các giới hạn tương ứng.
Đồng Nhân dân tệ điện tử được phát hành trên công nghệ blockchain. Tuy nhiên nó khác với blockchain truyền thống là tất cả các máy thành viên ngang hàng chứa sổ cái - dữ liệu lưu trữ quá trình giao dịch - đều thuộc quyền quản lý của chính phủ. Mỗi đồng Nhân dân tệ điện tử đều được gắn số thứ tự (serial number) tương tự như trên tiền giấy/polymer và có mệnh giá tương ứng. Như vậy, trên mỗi ví sẽ có lưu trữ cụ thể số tờ giấy bạc, serial tờ giấy bạc từ đó suy ra tổng số tiền. Tiền lẻ phát hành và lưu trữ như tiền xu, chỉ có số lượng đồng xu theo mệnh giá và không có số serial.
Cũng như các ví điện tử khác, ví điện tử của đồng Nhân dân tệ là một app được cài đặt vào điện thoại di động của người dùng, có bảo mật bằng mật khẩu, chỉ sử dụng khi có internet, thực hiện các thao tác quét QR Code của người nhận tiền và nhập số tiền cần trả như các ví điện tử khác. Ví điện tử có định danh người sử dụng.
Hồng Kông
Hệ thống thẻ Octopus của Hồng Kông ra mắt vào năm 1997 như một ví điện tử dành cho giao thông công cộng, là sự triển khai thành công và trưởng thành nhất của thẻ thông minh được sử dụng cho thanh toán vận chuyển hàng loạt. Chỉ sau 5 năm, 25% giao dịch thẻ Octopus không liên quan đến quá cảnh và được hơn 160 thương nhân chấp nhận.
Ecuador
Một đạo luật được Quốc hội Ecuador thông qua chính phủ cho phép thanh toán bằng tiền điện tử và đề xuất việc tạo ra một loại tiền điện tử quốc gia. Trong một tuyên bố của Quốc hội Ecuador, tiền điện tử sẽ kích thích nền kinh tế, có thể thu hút nhiều công dân Ecuador, đặc biệt là những người không có tài khoản tiết kiệm hoặc kiểm tra và thẻ tín dụng.
Tiền điện tử sẽ được hỗ trợ bởi tài sản của Ngân hàng trung ương Ecuador. Vào tháng 12/2015, Sistema de Dinero Electrónico (hệ thống tiền điện tử) đã được ra mắt, đưa Ecuador trở thành quốc gia đầu tiên có hệ thống thanh toán điện tử do Nhà nước điều hành.
Ấn Độ
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã khuyến khích đổi mới trong thanh toán bằng cách cho phép các cổng thanh toán, ví điện tử, thanh toán qua ngân hàng và cuối cùng là ứng dụng thanh toán BHIM UPI. Đồng tiền Rupee điện tử được xây dựng bằng công nghệ chuỗi khối blockchain, việc sử dụng đồng tiền này sẽ tạo ra ý tưởng về hệ thống ngân hàng cốt lõi mới.
Nga
Tháng 6/2019, Thống đốc tại Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina cho biết một ngày nào đó tổ chức này sẽ có thể ra mắt loại tiền điện tử của riêng mình. Bà Elvira Nabiullina cũng nói rằng rằng Ngân hàng Trung ương sẽ xem xét việc sử dụng một loại tiền điện tử được hỗ trợ bằng vàng, tạo điều kiện cho các khu định cư quốc tế.
Thụy Sĩ
Năm 2016, Zug là thành phố đầu tiên của Thụy Sĩ chấp nhận tiền điện tử trong việc thanh toán phí trong thành phố. Đồng Bitcoin được dùng như một phương tiện thanh toán số tiền nhỏ, lên tới 200 CHF, Zug đã trở thành một khu vực đang thúc đẩy các công nghệ trong tương lai.
Để giảm rủi ro, Zug đã chuyển đổi tiền điện tử Bitcoin thành tiền Thụy Sĩ. Công ty đường sắt thuộc sở hữu của chính phủ Thụy Sĩ bán Bitcoin tại các máy bán vé của mình. Trong những năm qua, trung tâm tài chính Thụy Sĩ đã chuẩn bị cung cấp cơ sở hạ tầng dựa trên nền tảng blockchain để giao dịch các tài sản điện tử mới.
Tháng 2/2020, Thụy Sĩ cũng nằm trong nhóm 6 nước tham gia thảo luận về sự phát hành tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương. Nhóm nghiên cứu trên bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng với Nhật Bản, Canada, Anh, Thụy Điển và Thụy Sĩ.
Hàn Quốc
Ngày 6/4/2020, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) thông báo đã triển khai chương trình thí điểm đồng tiền điện tử do ngân hàng này phát hành. Chương trình thử nghiệm được triển khai vào tháng 4/2020 và sẽ kết thúc trước cuối năm 2020, nhằm kiểm tra các năng lực phát hành tiền số của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc.
Qua chương trình này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc sẽ xác định và đánh giá những công nghệ cũng như quy định pháp lý cần thiết để tạo và đưa vào lưu hành một đồng tiền điện tử mới. Chương trình sẽ diễn ra đến tháng 12/2021 để kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý.
Vương Quốc Anh
Ngân hàng Anh (BoE) nhận định tiền giấy vẫn có thể được sử dụng bởi các hộ gia đình và doanh nghiệp để thanh toán. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cung cấp tiền điện tử, nhưng điều này chỉ có thể được sử dụng bởi các ngân hàng và các tổ chức tài chính được chọn. Ngân hàng Anh sẽ phát hành một loại tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương, có sẵn cho tất cả các hộ gia đình và doanh nghiệp. Điều này sẽ cho phép mọi người thực hiện thanh toán điện tử bằng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương.
Tháng 3/2020, Ngân hàng Anh đã phát hành một bài thảo luận về cách các loại tiền kỹ thuật số có thể được giới thiệu và sử dụng ở nước này. Ngân hàng Anh đang cân nhắc nghiêm túc những ưu và nhược điểm của việc phát hành một loại tiền điện tử có mệnh giá bằng bảng Anh. Ngân hàng Anh công nhận rằng một bảng Anh điện tử có thể gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng hiện tại.
Bên cạnh đó, hệ thống thẻ Oyster của London Transport là một thẻ thông minh bằng nhựa có thể giữ tín dụng trả tiền cho các chuyến du lịch, mua xe xe,... và hầu hết các dịch vụ đường sắt quốc gia ở London.
Hà Lan
Trong một bản báo cáo dài 45 trang được công bố hôm 21/4/2020, Ngân hàng Hà Lan cho biết họ có đủ điều kiện để phát triển và thử nghiệm đồng Euro điện tử. Ngân hàng này nói rằng họ muốn xây dựng một nền tảng đi đầu trong việc phát triển các loại tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương thuộc Liên minh châu Âu
Hà Lan hiện có một hệ thống tiền mã hóa là Chipknip được sử dụng ở Hà Lan. Tất cả các thẻ ATM của các Ngân hàng Hà Lan có giá trị có thể được nạp qua trạm nạp Chipknip. Đối với những người không có ngân hàng, thẻ Chipknip trả trước có thể được mua tại nhiều địa điểm khác nhau ở Hà Lan. Chipknip đã dừng hoạt động kể từ ngày 1/1/2015.
Nhật Bản
FeliCa của Nhật Bản là loại thẻ thông minh được thực hiện nhờ công nghệ chip IC, được sử dụng trong nhiều cách khác nhau như trong các hệ thống bán vé cho giao thông công cộng, tiền mã hóa và chìa khóa cửa cư trú.
Bỉ
Proton của Bỉ là một ứng dụng ví điện tử cho thẻ ghi nợ ở Bỉ, được giới thiệu vào tháng 2/1995 như một phương tiện để thay thế tiền mặt cho các giao dịch nhỏ. Hệ thống này đã ngừng hoạt động vào ngày 31/12/2014.
Quần đảo Marshall
Vào tháng 3/2018, Quần đảo Marshall đã trở thành quốc gia đầu tiên phát hành tiền điện tử của riêng họ và chứng nhận nó là hợp pháp tại quốc đảo này.
Nhật Linh