Thời gian qua, tiền điện tử đã dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Trong khi một số quốc gia gây áp lực lên các nhà đầu tư và đánh thuế thu nhập cũng như thuế thặng dư vốn phát sinh từ giao dịch tiền điện tử, nhiều quốc gia khác lại đang thực hiện cách tiếp cận tích cực hơn.
Mục đích của những chính sách mềm mỏng này để thúc đẩy việc tiếp nhận và đổi mới tốt hơn trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Một số quốc gia đã ban hành các văn bản luật thân thiện và cho phép nhà đầu tư mua, bán hoặc nắm giữ tài sản kỹ thuật số mà không phải nộp thuế.
El Salvador coi Bitcoin là tiền tệ
Sau khi thông qua luật chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp ở El Salvador, quốc gia này được cho là sẽ miễn thuế đối với lợi nhuận thu được từ Bitcoin của nhà đầu tư nước ngoài.
Javier Argueta, cố vấn pháp lý của Tổng thống Nayib Bukele cho biết: “Nếu một người có tài sản bằng Bitcoin và tạo ra lợi nhuận cao, họ sẽ không phải trả thuế. Điều này được thực hiện nhằm mục đích khuyến khích đầu tư nước ngoài. Vốn tăng thêm hoặc thu nhập sẽ không bị đánh thuế”.
Mặc dù vẫn chưa có quy định pháp lý cho các khoản miễn thuế này, nhưng đó là một dấu hiệu rõ ràng về ý định thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có danh mục đầu tư tiền điện tử của đất nước.
Bermuda cho thanh toán thuế bằng tiền điện tử
Đảo quốc Bermuda được xem như thiên đường thuế, trong đó tài sản kỹ thuật số không được chọn để xem xét đặc biệt và có chế độ thuế thấp ở tất cả các lĩnh vực. Bermuda không quy định thuế thu nhập, thuế thặng dư từ vốn, thuế nhà thầu hoặc các loại thuế khác đối với tài sản kỹ thuật số hoặc giao dịch liên quan đến nó.
Đặc biệt, người dân có thể thanh toán thuế bằng tiền điện tử. Vào tháng 10/2019, Bermuda trở thành chính phủ đầu tiên chấp nhận thanh toán thuế, phí và các dịch vụ khác của chính phủ bằng neo vào stablecoin USDC (một đồng tiền kỹ thuật số phát triển trên nền tảng Blockchain và neo giá trị theo đồng USD).
Belarus từng bước hợp pháp hoạt động tiền điện tử
Belarus đang từng bước thực hiện tiếp cận thử nghiệm tiền điện tử. Vào tháng 3/2018, luật mới tại quốc gia Đông Âu này đã hợp pháp hóa các hoạt động tiền điện tử, miễn thuế cho cá nhân và doanh nghiệp có liên quan cho đến năm 2023. Sau giai đoạn thử nghiệm, quy định về tiền điện tử sẽ được xem xét lại.
Theo luật, khai thác và đầu tư vào tiền điện tử được coi là đầu tư cá nhân và do đó được miễn thuế thu nhập và thuế trên thặng dư vốn.
Các luật tự do được đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và đổi mới công nghệ. Quốc gia này gần đây đã được xếp hạng thứ 3 ở Đông Âu và thứ 19 trên toàn cầu về mức độ giao dịch tiền điện tử P2P.
Malta không áp thuế tiền điện tử lâu đời
Chính phủ của “Đảo Blockchain” công nhận Bitcoin “là một đơn vị tài khoản, phương tiện trao đổi hoặc kho lưu trữ giá trị”. Malta không áp dụng thuế trên thặng dư vốn đối với các loại tiền điện tử tồn tại nhiều năm như Bitcoin, nhưng các giao dịch tiền điện tử được xem tương tự như giao dịch cổ phiếu trong ngày và chịu thuế thu nhập kinh doanh ở mức 35%.
Tuy nhiên, mức này có thể được giảm xuống từ 5% đến 0%, thông qua “các tùy chọn cấu trúc” có sẵn trong hệ thống của Malta.
Bộ quy tắc tài chính của Malta được phát hành vào năm 2018 cũng phân biệt giữa Bitcoin và “token tài chính”, tương đương với cổ tức, lãi suất hoặc tiền thưởng. Token tài chính được coi là thu nhập và bị đánh thuế theo thuế suất áp dụng.
Malta đứng thứ hai sau Liechtenstein trong Chỉ số thuế tiền điện tử năm 2020 của PwC, xếp hạng các khu vực pháp lý dựa trên mức độ toàn diện của quy tắc do họ ban hành.
Đức coi tiền điện tử là tiền tư nhân
Không giống hầu hết các quốc gia khác, Đức có cách tiếp cận mới lạ về việc đánh thuế những loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu coi Bitcoin là tiền tư nhân, thay vì tiền tệ, hàng hóa hoặc cổ phiếu.
Đối với cư dân Đức, bất kỳ loại tiền điện tử nào được giữ trong hơn một năm đều được miễn thuế, bất kể số lượng là bao nhiêu. Nếu tài sản được nắm giữ dưới một năm, sẽ không tích lũy thuế trên thặng dư vốn khi bán, miễn là số tiền không vượt quá 600 euro (692 đô la).
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thì lại là một vấn đề khác. Startup được thành lập ở Đức vẫn phải trả thuế thu nhập doanh nghiệp cho các khoản thu nhập từ tiền điện tử, giống như với bất kỳ tài sản nào khác.
Nhưng vào năm 2021, luật thuế mới gây tranh cãi có hiệu lực đã “giáng đòn chí mạng” vào hoạt động giao dịch phái sinh tiền điện tử ở Đức, vì các khoản lỗ không còn được khấu trừ nữa. Luật đã xem xét hoạt động trên khắp châu Âu để điều chỉnh sản phẩm phái sinh.
Bồ Đào Nha khuyến khích sự đổi mới
Bồ Đào Nha đã thông qua luật thuế tự do đối với tiền điện tử, nhằm khuyến khích sự đổi mới. Có thể xem Bồ Đào Nha là một trong những chế độ thuế thân thiện với tiền điện tử nhất trên thế giới.
Tiền thu được từ việc bán coin của các cá nhân được miễn thuế kể từ năm 2018, và kinh doanh tiền điện tử không được coi là tạo ra thu nhập đầu tư (thường phải chịu thuế suất 28%).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chấp nhận tiền kỹ thuật số để thanh toán cho hàng hóa và dịch vụ phải chịu thuế thu nhập.
"Thung lũng tiền điện tử" Thụy Sĩ
Không có gì ngạc nhiên khi Thụy Sĩ, quê hương của trung tâm đổi mới được mệnh danh là “Thung lũng tiền điện tử”, đất nước này đã có những chính sách thuế tư duy tương lai nhất. Lợi nhuận từ tiền điện tử do cá nhân đủ điều kiện tạo ra thông qua đầu tư và giao dịch được coi là thặng dư vốn được miễn thuế.
Tháng 8/2021, Ban Thư ký Nhà nước về Tài chính Quốc tế (SIF) Thụy Sĩ thông báo: “Đạo luật Blockchain hiện đã có hiệu lực”. Đạo luật này được cho là sẽ dẫn đến một số thay đổi trên thị trường tiền điện tử và giúp Thụy Sĩ trở thành một trong những quốc gia có thẩm quyền hợp pháp hóa tiến bộ và sáng tạo nhất.
Tuy nhiên, thu nhập từ kinh doanh và khai thác chuyên nghiệp tiền điện tử vẫn phải chịu thuế thu nhập. Đáng chú ý, luật thuế thay đổi giữa các khu vực và “thuế tài sản” hàng năm được tính trên tổng số tiền điện tử sở hữu, cùng với phần còn lại của giá trị tài sản ròng của một cá nhân.
Slovenia không đánh thuế với cá nhân
Slovenia là một quốc gia khác có phương pháp tiếp cận thuế tiền điện tử theo cách riêng.
Các cá nhân không bị đánh thuế trên thặng dư vốn khi họ bán Bitcoin và lợi nhuận không được coi là thu nhập. Tuy nhiên, các công ty nhận thanh toán bằng tiền điện tử hoặc thông qua khai thác phải trả thuế theo thuế suất doanh nghiệp. Phân phối token qua dịch vụ ICO cũng phải chịu thuế lên đến 50%.
Đáng chú ý, quốc gia Địa Trung Hải này không cho phép hoạt động kinh doanh chỉ bằng tiền điện tử (chẳng hạn như chỉ chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin).
Vào cuối năm 2020, nguồn tin địa phương Slovenia Times cho biết các cộng đồng tiền điện tử trong nước đang tích cực làm việc với cơ quan quản lý và cơ quan thuế để làm rõ luật thuế của quốc gia.
Hồng Kông mềm dẻo hơn Trung Quốc
Không phải một quốc gia mà chỉ là Đặc khu hành chính của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông có quyền tự trị các vấn đề của đặc khu. Chính vì vậy, luật thuế của Hồng Kông về tiền điện tử có vẻ dễ tính hơn, dù còn chung chung, chưa quy định cụ thể. Điều này khác hẳn với sự đàn áp khắc nghiệt của Trung Quốc đối với tiền điện tử.
Về cơ bản, tiền kỹ thuật số có bị đánh thuế hay không phụ thuộc vào việc sử dụng chúng.
Henri Arslanian, một nhà lãnh đạo tiền điện tử toàn cầu tại PwC cho biết, tại Hồng Kông nếu tài sản kỹ thuật số được mua để đầu tư lâu dài, bất kỳ khoản lợi nhuận nào phát sinh từ việc thanh toán sẽ không bị tính thuế lợi nhuận. Nhưng điều này không áp dụng cho các công ty, lợi nhuận phát sinh từ hoạt động kinh doanh tiền điện tử tại Hồng Kông của công ty phải chịu thuế.
PwC đã khẳng định rõ rằng Bitcoin được coi là một loại hàng hóa ảo cho các mục đích đánh thuế, tại hướng dẫn toàn diện về việc xử lý thuế tiền điện tử ở nhiều khu vực pháp lý khác nhau vào cuối năm 2020.
Malaysia miễn thuế nếu giao dịch không thường xuyên
Ở Malaysia, các giao dịch tiền điện tử hiện được miễn thuế và cũng không đủ điều kiện để chịu thuế trên thặng dư vốn, bởi vì nó không được các cơ quan có thẩm quyền coi là tài sản hoặc tiền tệ hợp pháp.
Ranjeet Kaur, giám đốc truyền thông tại Ban Doanh thu Nội địa Malaysia (LHDN) cho biết: “Nếu giao dịch thu được nhiều lợi nhuận hơn từ vốn theo một cách bị động hoặc thỉnh thoảng được thực hiện, không có kế hoạch hoặc không có hệ thống, thì lợi nhuận từ giao dịch đó là thu nhập miễn thuế”.
Tuy nhiên, đối với giao dịch tích cực, có hệ thống và lặp đi lặp lại, “bên được coi là đã thực hiện một giao dịch hoặc nghề nghiệp” có lợi nhuận từ các giao dịch đó phải chịu thuế thu nhập. Các doanh nghiệp liên quan đến tiền điện tử cũng phải chịu thuế thu nhập của Malaysia.
Nắm giữ tiền điện tử ở Singapore không đánh thuế
Thuế trên thặng dư vốn không tồn tại ở Singapore, vì vậy cả cá nhân hay công ty nắm giữ tiền điện tử đều không bị đánh thuế này.
Nhưng các công ty có trụ sở tại Singapore nếu hoạt động kinh doanh chính là giao dịch tiền điện tử hoặc nếu họ chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử thì phải chịu thuế thu nhập.
Các nhà chức trách coi những token thanh toán như Bitcoin là “tài sản vô hình” chứ không phải tiền tệ hợp pháp và thanh toán bằng tiền điện tử là một dạng “trao đổi hàng hóa”, trong đó hàng hóa và dịch vụ bị đánh thuế, thay vì là token thanh toán.
Nhật Linh