Reuters đưa tin, phía Tòa án Kiểm toán (CoA) của El Salvador cho biết họ đã nhận được đơn khiếu nại vào ngày 10/9 từ một tổ chức nhân quyền ở El Salvador có tên là Cristosal về các giao dịch mua Bitcoin của Chính phủ nước này, 5 ngày trước khi diễn ra các cuộc biểu tình quá khích.
“Sau khi nhận đơn khiếu nại, chúng tôi sẽ tiến hành báo cáo phân tích pháp lý và nhanh chóng chuyển báo cáo đó đến Ban Điều phối Kiểm toán Tổng hợp”, Tòa án cho biết.
Được biết, tổ chức Cristosal đã yêu cầu điều tra thương vụ mua bán Bitcoin của Chính phủ El Salvador, cũng như xem xét cách họ tài trợ và xây dựng các máy ATM tiền điện tử trong nước. Đơn khiếu nại được đệ trình chống lại 6 thành viên hội đồng quản trị của Bitcoin Trust, Ban thư ký Thương mại và Đầu tư cùng các thành viên Bộ Tài chính Kinh tế nước này. Đây không phải lần đầu tiên dự án Bitcoin của tổng thống Nayib Bukele khiến các nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước phẫn nộ.
Vào ngày 7/9, Bitcoin đã chính thức được công nhận là tài sản hợp pháp tại El Salvador. Vài ngày sau đó, El Salvador bị cuốn vào nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến quyết định táo bạo này của Tổng thống Bukele. Luật Bitcoin buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền điện tử hàng đầu thị trường khi được cung cấp.
“Mọi đại lý kinh tế phải chấp nhận Bitcoin như một khoản thanh toán sau khi được cung cấp bởi bất kỳ ai mua hàng hóa hoặc dịch vụ”, Điều 7 của Luật Bitcoin viết.
Điều này được nhiều người coi là luật cưỡng chế và đã dẫn đến các cuộc biểu tình, phản đối mạnh mẽ trên đường phố El Salvador.
Cụ thể, nhiều người dân El Salvador đã xuống đường biểu tình để phản đối Tổng thống Nayib Bukele và Luật Bitcoin vào ngày 16/9, nhân ngày kỷ niêm 200 năm độc lập của đất nước.
Một số người quá khích đã đốt máy ATM Bitcoin của Chivo Wallet ở thủ đô San Salvador, trong đó có nhiều người đã cầm những tấm biểu ngữ với nội dung “Chúng tôi không muốn Bitcoin” và “Nói không với chế độ độc tài”.
“Chính phủ đã “quấy rầy” nhiều doanh nghiệp lớn và nhỏ. Họ đã cử các nhân viên chính phủ đến kiểm tra những doanh nghiệp đó nhằm đảm bảo rằng họ đang tuân thủ các quy định lao động, chỉ bởi vì các giám đốc điều hành cấp cao đã nói những điều tiêu cực về luật Bitcoin”, một doanh nhân chia sẻ.
“Cảnh sát không đưa ai ra tòa. Họ chỉ dọa những người phản đối có tầm ảnh hưởng như Mario Gomez bằng cách mời đi uống trà trong vài giờ hoặc vài ngày”, một người giấu tên cho biết.
Trên Twitter, Tổng thống Nayib Bukele đã chỉ trích những người biểu tình và nói rằng họ là những người phá hoại. Mặc dù Bukele trước đây được đánh giá cao trong các cuộc thăm dò dư luận về việc cải thiện an ninh ở quốc gia, nhưng gần đây ông đã bị chỉ trích về chủ nghĩa độc quyền.
Nhật Linh