Nguyên nhân 9 bộ, ngành xin trả lại 8.000 tỷ đồng vốn ODA

Trần Nhật Linh
Theo Bộ Tài chính, hiện có 9 bộ, ngành đã có văn bản gửi Bộ đề nghị trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn ODA được Chính phủ phân bổ.

Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành để đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài (vốn ODA) của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021.

Tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 6/10/2021, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn ODA được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch, hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Mặc dù các bộ, ngành đã nỗ lực rất nhiều nhưng từ nay tới hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 như kế hoạch được giao là không khả thi”, ông Long cho biết.

Theo ông Long, đến ngày 6/10/2021, lũy kế giải ngân vốn ODA của các bộ, ngành mới đạt 19,03% (3.166 tỷ đồng/16.637 tỷ đồng kế hoạch vốn giao). Kết quả này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và 2020.

Điển hình, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT có 15 dự án đầu tư công nguồn vốn ODA, trong đó có 6 dự án chuẩn bị đầu tư nhưng các công tác liên quan đang vướng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ Nông nghiệp& Phát triển nông thôn cũng gặp khó khăn tương tự nên mới chỉ giải ngân 45,5% vốn đầu tư công nguồn vốn ODA.

bo-tai-chinh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Bộ Tài chính

Về nguyên nhân các đơn vị trên phải trả lại vốn, ông Võ Hữu Hiển – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA.

Bên cạnh đó, các dự án chậm tiến độ hoặc không thể giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai như: Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư, tỷ lệ thanh toán ngoại tệ/ nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục.

Ngoài ra, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, từ nay tới cuối năm, các bộ, ngành cần tích cực chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai và giải ngân; tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ. Trường hợp không thể điều chuyển nội bộ thì sớm có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc cắt giảm để chuyển cho các Bộ, ngành, địa phương khác.

Nhật Linh

Nhật Linh