Tesla giờ đây mới nếm trải áp lực khi kinh doanh tại thị trường Trung Quốc khi báo chí và chính quyền địa phương liên tục chỉ trích công ty này sau vụ biểu tình của một nữ khách hàng tại triển lãm ô tô Thượng Hải diễn ra tuần này.
Đây có thể là cuộc khủng hoảng truyền thông lớn đầu tiên của Tesla tại Trung Quốc, một thị trường được các nhà đầu tư đánh giá là quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển của hãng.
Hôm 19/4, một phụ nữ tự xưng là khách hàng của Tesla đã trèo lên mui xe và la hét kèm khẩu hiệu "phanh không hoạt động" in trên áo. Cô này bức xúc vì xe của cô bị lỗi phanh - vấn đề mà một vài người dùng mạng xã hội Trung Quốc tự xưng là chủ xe Tesla đã phàn nàn trong vài tháng qua. Một đoạn video về vụ việc đã lan truyền trên mạng xã hội và được truyền thông Trung Quốc quan tâm.
Hôm 20/4, cảnh sát Thượng Hải xác định được người biểu tình mang họ Zhang. Cô này bị giam giữ 5 ngày vì tội gây rối trật tự công cộng. Tesla cáo buộc người phụ nữ này có liên quan đến một vụ va chạm vào tháng 2 do "vi phạm tốc độ". Trong 2 tháng đàm phán giữa 2 bên, cô này không cho bên thứ 3 vào kiểm tra chiếc xe nhưng yêu cầu hoàn lại tiền.
Phó chủ tịch của Tesla tại Trung Quốc, Tao Lin, trả lời phỏng vấn trang Caijing cho biết người phụ nữ này yêu cầu một khoản đền bù lớn và công ty không có lý do gì phải đáp ứng cô ta. Trong một bài đăng trên Weibo, Tesla nói họ không thể đáp ứng các "yêu cầu vô lý".
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc và cơ quan chính phủ đã nhanh chóng khiển trách Tesla. Các hãng thông tấn nước này đã đăng hàng loạt bài viết trong khi Uỷ ban kỷ luật trung ương của chính phủ Trung Quốc đưa ra tuyên bố cảnh cáo.
Một trong số các bài báo đó có tiêu đề "3 bài học Tesla phải học", khuyên nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ không nên "kiêu ngạo" và "tôn trọng" thị trường tiêu dùng Trung Quốc . "Lập trường ngạo mạn và hống hách mà công ty thể hiện trước công chúng là đáng chê trách và không thể chấp nhận được.
Điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và tập khách hàng của công ty tại thị trường Trung Quốc", tờ Global Times cho biết trong bài đăng hôm 21/4.
Tesla sau đó đã đưa ra thông báo xin lỗi vì không giải quyết các vấn đề chủ xe gặp phải một cách kịp thời. Trong 2 bài đăng trên Weibo vào các ngày 19, 20/4, hãng cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng. Công ty khẳng định sẽ "tự kiểm tra và sửa chữa" để khắc phục các vấn đề trong quy trình dịch vụ khách hàng của mình. Công ty cũng đã liên lạc với 2 cơ quan quản lý thị trường.
Tesla được cho là một trong những "tấm gương" mà chính quyền Trung Quốc đưa ra nhằm minh chứng cho việc họ mở rộng cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế, những ông lớn như Google, Facebook đều không thể kinh doanh tại đây. Apple, trong khi đó, bán một lượng lớn iPhone tại thị trường Trung Quốc nhưng cũng chịu không ít những khó khăn riêng.
Với Tesla, họ đã tập trung mạnh vào thị trường Trung Quốc trong 2 năm qua. Với sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc, Tesla đã động thổ một nhà máy lớn ở Thượng Hải vào năm 2019. Đến năm 2020, hãng bắt đầu giao những chiếc Model 3 đầu tiên sản xuất tại Trung Quốc cho khách hàng nước này.
Trong năm 2020, doanh số của Tesla tại Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần một năm trước đó. Model 3 chính là mẫu xe điện bán chạy nhất tại đây. Các startup xe điện tại Trung Quốc hiện cũng phát triển rất mạnh, trong đó nổi bật có những cái tên như Nio hay Xpeng Motors, mặc dù doanh số còn kém xa so với Tesla.
Theo cafebiz