Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất hàng loạt giải pháp đặc trị sốt đất, sốt giá nhà.
HoREA cho biết, kể từ năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
Vì vậy, muốn giảm giá nhà, Nhà nước cần thay đổi cách thu tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, phi nông nghiệp thành đất ở, với thuế suất có thể bằng khoảng 15-20% giá đất trong bảng giá đất. Đồng thời, để bù đắp hụt thu ngân sách nhà nước và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước, cần đánh thuế bất động sản theo lợi luận thu được từ các giao dịch chứ không phải ấn định 2% trên tất cả giao dịch.
Lượng tiền lớn được đổ vào bất động sản khiến giá đất tăng cao
Trước đề xuất này, Bộ tài chính cũng cho hay, hệ thống chính sách thuế, phí và lệ phí đối với bất động sản hiện hành được ban hành khá đầy đủ, bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản; Lệ phí trước bạ và các khoản phí, lệ phí liên quan khác (như lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...). Các loại thuế này bao quát từ khi hình thành tới sở hữu, sử dụng và chuyển nhượng bất động sản; qua đó từng bước hạn chế đầu cơ bất động sản.
Bộ cho biết thêm, về việc ấn định 2%, Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 từng quy định thu 25% thuế trên thu nhập chênh lệch giữa giá mua và bán. Trường hợp không xác định được giá mua và các chi phí đi kèm thì nộp thuế 2% trên giá chuyển nhượng. Điều này giúp đảm bảo minh bạch về chính sách, tránh vướng mắc trong thực hiện và cải cách các thủ tục hành chính.
Đối với các doanh nghiệp có hoạt đột chuyển nhượng bất động sản sẽ nộp thuế 20%. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng BĐS được xác định bằng doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng BĐS trừ giá vốn của BĐS và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng BĐS.
“Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BĐS thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tác động lớn, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành địa phương” – Bộ Tài Chính nhấn mạnh.