Bách Hóa Xanh xin giảm tiền thuê mặt bằng nhưng tăng giá bán: Doanh thu tăng

Trần Nhật Linh
Bách Hóa Xanh đề nghị giảm 50% tiền thuê mặt bằng, nhưng tăng giá bán hàng, dự kiến doanh thu của chuỗi siêu thị này ghi nhận sẽ cao gấp 4 - 5 lần.

Xin giảm tiền thuê mặt bằng

Trong khi thông tin Bách Hóa Xanh tăng giá bán lương thực, thực phẩm trong mùa dịch chưa hạ nhiệt, thì mạng xã hội tiếp tục xôn xao khi một văn bản được cho là của Bách Hóa Xanh gửi đối tác cho thuê mặt bằng. Trong đó, Bách Hóa Xanh để nghị các đối tác điều chỉnh giảm 50% giá thuê mặt bằng trong 1 năm, miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải đóng cửa tạm ngừng kinh doanh để ngừa dịch Covid-19.

Cụ thể, nguyên văn công văn ngày 22/6 của Bách Hóa Xanh nêu rõ:

Công Ty Cổ Phần Thương Mại Bách Hóa Xanh trân trọng và biết ơn sự hợp tác của ông bà trong sự phát triển của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh trong thời gian qua.

Bách Hóa Xanh luôn cố gắng duy trì sự phát triển lâu dài, hợp tác bền vững để tạo ra giá trị chung cho các đối tác. Tuy nhiên, có sự thật không thể phủ nhận là sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gần đây ngày càng mạnh mẽ, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế lớn, mà còn gây khủng hoảng cho hàng triệu doanh nghiệp, con người trên khắp Việt Nam.

Làn sóng Covid-19 vẫn cứ âm thầm diễn ra và tăng mạnh trong vài tuần vừa qua đến nay, khiến chính phủ các cơ quan phải thực hiện lệnh cách ly, giản cách xã hội trên diện rộng. nhiều cửa hàng phải tạm dừng/đóng cửa, thu nhập giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mức chi tiêu của người dân trong giai đoạn này rất hạn chế, đồng thời người dân phải cách cách ly ở nhiều nơi dẫn đến sức mua giảm, hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển để tiêu thụ. Chúng tôi cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng khó khăn chung của dịch bệnh, mặc dù Ban giám đốc và nhân viên của Bách Hóa Xanh đã tìm kiếm nhiều giải pháp để tiếp tục phát triển, cắt giảm chi phí, đẩy mạnh hàng hóa.

bach-hoa-xanh-tang-gia-ban
Bách Hóa Xanh có công văn gửi đối tác đề nghị giảm 50% chi phí mặt bằng.

Chúng tôi tin rằng sự bền vững cùng phát triển phải được ghi nhận và chia sẻ từ hai phía. Từ phía Bách Hóa Xanh luôn nỗ lực để duy trì phát triển kinh doanh, nhờ đó chi trả và tiếp tục thanh toán chi phí mặt bằng thuê cho Quý đối tác. Từ phía đối tác Bách Hóa Xanh mong Quý đổi tác đồng lòng, chia sẻ giảm 50% giá thuê trên mỗi tháng với thời gian trong vòng 1 (một) năm để chung sức cùng Bách Hóa Xanh xử lý các ảnh hưởng từ dịch bệnh. Đây là sự sẻ chi vô cùng đặc biệt đó giá trị to lớn tử Quý đối tác để giúp chúng ta vượt qua giai đoạn này, và tiếp tục đồng hành ổn định củng nhau trong thời gian tới.

Kính mong Quý đối tác chia sẻ và cùng chúng tôi phát triển để vượt qua khó khăn chung”.

Bách Hóa Xanh muốn giảm giá mặt bằng, nhưng lại tăng giá bán hàng

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc Bách Hóa Xanh tăng giá bán lương thực, đoàn công tác của Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã thực tế kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh. Trả lời tổ kiểm tra, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh thừa nhận có sự việc này. Ông Doanh cũng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản cho cơ quan chức năng đầy đủ về sự việc này.

"Giá bán rau tại Bách Hoá Xanh thời điểm này có cao hơn so với trước dịch hay không, chúng tôi thừa nhận là có", ông Doanh nói.

Đồng thời, ông Doanh cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay chỉ có mua hay không mua hàng, chứ không phải là chuyện tăng giá bán. Ông Phong cho biết, Bách Hóa Xanh vẫn đang đang tìm cách đưa lương lực về và niêm yết giá trên kệ. “Nếu chúng tôi có 500kg cà chua về cửa hàng thì khách hàng sẽ có 500kg cà chua để mua. Nếu chúng tôi nói có bó rau giá 20.000 đồng, thì khách hàng sẽ có bó rau đúng giá 20.000 đồng để mua. Nếu bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng cũng có 30.000 đồng để mua”, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh nói thêm.

Sau khi kiểm tra tổng thể khu vực bày bán hàng hóa của cửa hàng Bách Hóa Xanh, đoàn công tác ghi nhận hàng hóa trong hệ thống được niêm phong đầy đủ và bán đúng giá niêm yết trên quầy. Tuy nhiên, ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đề nghị hệ thống Bách Hóa Xanh không nâng giá hàng hóa một cách bất hợp lý dù có khó khăn, tăng chi phí trong việc nhập hàng hóa từ các địa phương khác về TP.HCM.

bach-hoa-xanh-nang-gia-ban
Cục Quản lý Thị trường TP.HCM kiểm tra các cửa hàng của Bách Hóa Xanh.

Liên quan đến sự việc, ngày 16/7, Bách Hóa Xanh cũng có thông báo cho biết không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, Bách Hóa Xanh cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.

Bách Hóa Xanh cho rằng chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập vào. Đồng thời, Bách Hóa Xanh cũng cần đảm bảo toàn tính cân bằng và hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng với việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn dịch bệnh. Trong đó, bao gồm các yếu tố như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, chiều 16/7/2021, các Đội Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra, làm việc 75/641 cửa hàng Bách Hóa Xanh tại các địa bàn Quận 1, Quận 3, Quận 5, Quận 7, Quận 10, Quận 11, Quận Tân Bình, Quận Tân Phú, Quận Bình Tân, Quận Phú Nhuận, Thành phố Thủ Đức, Huyện Bình Chánh.

Bách Hóa Xanh làm ăn ra sao từ khi dịch Covid-19 bùng phát?

Tại buổi kiểm tra của Cục Quản lý Thị trường TP.HCM, ông Trần Kinh Doanh - Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh, cho biết hiện có 560 điểm bán hàng của Bách Hóa Xanh ở TP.HCM. Bình thường, mỗi ngày Bách Hóa Xanh cung cấp 500 - 600 tấn rau, nhưng trong ngày 14 và 15/7 đã nâng lên thêm 2.100- 2.500 tấn, sắp tới tăng lên 3.000 tấn rau.

Như vậy, so với trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, số lượng hàng hóa Bách Hóa Xanh đã tăng gấp 4 - 5 lần và dự kiến sẽ còn tăng nữa. Cùng với đó, doanh thu của Bách Hóa Xanh chắc chắn cũng sẽ tăng lên 4 - 5 lần.

Bách Hóa Xanh là một trong 3 chuỗi siêu thị lớn của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã chứng khoán MWG). Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh mẽ, Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu 10.600 tỷ đồng, tăng trưởng gần 36% so với cùng kỳ và chiếm 20,5% doanh thu toàn công ty.

Doanh thu Bách Hóa Xanh lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng trong tháng 5, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng đạt hơn 1,35 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, doanh thu của chuỗi Bách Hóa Xanh đang đi lên mạnh mẽ.

gia-ban-bach-hoa-xanh
Hình ảnh khách hàng tố Bách Hóa Xanh cố ý nâng giá bán rau củ.

Tính đến ngày 31/5/2021, Bách Hóa Xanh có 1.851 điểm bán tại 25 tỉnh thành, tăng 48 cửa hàng so với đầu tháng và tăng 132 cửa hàng so với đầu năm. Trong số này có 182 cửa hàng với diện tích trên 500 m2, đóng góp 21% tổng doanh thu của Bách Hóa Xanh. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng trên toàn hệ thống là 2,5 tỷ đồng/tháng, riêng ở TP.HCM là gần 3 tỷ đồng/tháng.

Với doanh thu tăng trưởng như trên, việc đề nghị giảm giá mặt bằng của Bách Hóa Xanh này khiến nhiều người bất ngờ. Thực tế, hiện rất nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các cửa hàng bán hàng hóa, thực phẩm như Bách Hóa xanh thì ngược lại khi doanh số tăng cao theo nhu cầu.

Trước dịch, ban lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh sẽ có lãi ở cấp độ công ty vào cuối năm 2021. Với việc dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục kéo dài, các khu chợ tự phát, chợ truyền thống tại TP.HCM bị đóng cửa sẽ có lợi cho Bách Hóa Xanh. Khi hệ thống siêu thị này là nơi được tạo điều kiện kinh doanh, cung cấp lương thực cho người dân. Như vậy, từ những điều kiện đang có, Bách Hóa Xanh có thể đẩy nhanh hơn nữa tiến trình có lãi.

Tuy nhiên, những xôn xao gần đây có lẽ sẽ là “cú vấp” của hệ thống Bách Hóa Xanh và Thế Giới Di Động. Một số chuyên gia cho rằng, Bách Hóa Xanh và một số siêu thị khác ồ ạt tăng giá bán lúc này vì bất cứ ký do gì là hành động quay lưng với người tiêu dùng lúc khó khăn. Trong khi đây là thời điểm “vàng” để Bách Hóa Xanh tăng giá trị thương hiệu và nhận được sự ủng hộ lâu dài của khách hàng.

Nhật Linh

Nhật Linh