Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho người dân phòng chống dịch

Quyền Trung
100% các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đã bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, trang bị dụng cụ phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm. Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô và hỗ trợ các tỉnh.

Những ngày này, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhưng theo ghi nhận tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh như: BigC, Vinmart, MM Megamarket, chợ Hà Đông,… trên các kệ, các sạp hàng đều đầy ắp các nhu yếu phẩm, nông sản; trong khi đó, giá cả các loại mặt hàng cũng được giữ ổn định, thậm chí nhiều mặt hàng còn được kích cầu mua sắm với các chương trình khuyến mại.

Đặc biệt, không như đợt bùng phát dịch Covid-19 lần đầu tiên vào năm 2020; thời điểm này, người dân vẫn giữ tâm lý bình tĩnh trong mua sắm do tin tưởng vào khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu của các hệ thống phân phối, các chợ dân sinh,… cũng như khả năng điều tiết hàng hóa, nguồn cung thực phẩm, nông sản từ các cơ quan chức năng.

Chị Lê Hải Yến ở khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, mặc dù trên địa bàn Thành phố đã xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 và sự lây lan của virut này cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, người dân vẫn hết sức bình tĩnh để cùng với chính quyền và địa phương tham gia phòng chống dịch được tốt nhất. Đặc biệt, tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích không có cảnh chen lấn, xô đẩy để mua hàng tích trữ. Ngược lại, hàng hóa, thực phẩm luôn đầy ắp, thậm chí giá cả còn “hạ nhiệt” hơn trước.

“Có thể thấy, so với các đợt bùng phát dịch trước đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho bản thân, cho gia đình và cho toàn xã hội. Đặc biệt là không lo lắng, đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa,…”, chị Hải Yến cho hay.

Hang-Hoa2

Người dân thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch và đeo khẩu trang khi đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua sắm

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân mua sắm tại các siêu thị, cũng như đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, Hà Nội đã xây dựng các phương án chi tiết về việc cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân thủ đô và hỗ trợ các tỉnh, thành phố giải tỏa lượng hàng hóa sản xuất ra. Cùng với đó, 100% các siêu thị trên địa bàn Hà Nội đều đã bố trí nhân viên kiểm tra thân nhiệt, trang bị các dụng cụ phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm.

Về công tác đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, ngành Công Thương Hà Nội cam kết, đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các siêu thị không tăng giá,… Cùng với đó, Hà Nội cũng đảm bảo nguồn dự trữ hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô khi dịch Covid-19 quay trở lại Thủ đô. Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu trong tháng dịch tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Ngoài ra, đảm bảo lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ,…

Cũng liên quan đến việc đảm bảo lưu thông hàng hoá, ngay từ đầu tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc ban hành hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản vùng đang có dịch Covid-19.

dn-1595996436501

Hàng hóa dồi dào tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội

Văn bản nêu rõ, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.

Theo đó, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời có phương án xử lý các bất ổn về cung cầu hàng hóa; phối hợp với các doanh nghiệp phân phối lớn để có phương án điều tiết nguồn cung hàng hóa khi cần thiết hoặc hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản vào vụ thu hoạch (nếu có),…

Ngọc Mai (T/h)