Bách Hóa Xanh tăng giá bán trong mùa dịch: Vì yếu tố khách quan!?

Trần Nhật Linh
Bách Hóa Xanh tăng giá bán trong mùa dịch, tuy nhiên hệ thống siêu thị này cho biết không tăng vì mục đích kiếm lời mà vì lý do khách quan.

Cục Quản lý thị trường kiểm tra

Chiều 16/7, đoàn công tác của Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã thực tế kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Bách Hóa Xanh sau khi có nhiều thông tin cho rằng Bách Hóa Xanh tăng giá bán hàng hóa trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn ra.

Đoàn công tác do ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TP.HCM dẫn đầu đã kiểm tra hai cửa hàng ở trên đường Đặng Văn Bi và đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Sau khi kiểm tra tổng thể khu vực bày bán hàng hóa của cửa hàng Bách Hóa Xanh, đoàn công tác ghi nhận hàng hóa trong hệ thống được niêm phong đầy đủ và bán đúng giá niêm yết trên quầy. Tuy nhiên ông Ba đề nghị hệ thống Bách Hóa Xanh không nâng giá hàng hóa một cách bất hợp lý dù có khó khăn, tăng chi phí trong việc nhập hàng hóa từ các địa phương khác về TP.HCM.

bach-hoa-xanh-tang-gia
Cục quản lý thị trường kiểm tra Bách Hóa Xanh trước thông tin tăng giá bán.

Ông Ba cho biết, lực lượng Quản lý Thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, thường xuyên tổ chức các lực lượng để nắm tình hình địa bàn, chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đặc biệt là tập trung kiểm tra các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như vật tư y tế, tân dược và mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày như rau, củ, quả, thịt, cá, trứng.

Bách Hóa Xanh tăng giá bán là thật

Liên quan đến sự việc, ngày 16/7, Bách Hóa Xanh cho biết: "Chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh, và chúng tôi cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống".

Bách Hóa Xanh cho rằng chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TP.HCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập vào. Đồng thời, Bách Hóa Xanh cũng cần đảm bảo toàn tính cân bằng và hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng với việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn dịch bệnh. Trong đó, bao gồm các yếu tố như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.

Cụ thể, Bách Hóa Xanh cho biết, thời gian vận chuyển từ vùng trồng về các cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng đáng kể khi qua các chốt kiểm soát liên tỉnh. Cùng với tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng (cộng thêm giá xăng tăng) và tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao.

Nhân sự của Bách Hóa Xanh cũng tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục, từ kho đến cửa hàng. Bên cạnh đó, nhiều nhân viên phải đi cách ly, hoặc trong vùng phong tỏa không thể tiếp tục công việc.

bach-hoa-xanh
Bách Hóa Xanh luôn ghi nhận tình trạng thiếu hàng, thực phẩm cũng không đảm bảo tươi sống.

Nhân sự tài xế, kho bãi với số lượng hàng ngàn người bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm cách 3 ngày một lần. Ngoài ra, việc xét nghiệm liên tục này cũng áp dụng cho hàng trăm nhân viên bắt buộc di chuyển ở 2 tỉnh lân cận.

Bách Hóa Xanh phải bảo đảm chỗ ở cho nhân viên ở gần kho, nhằm giảm thiểu nguy cơ nhân viên nhiễm bệnh hoặc bị cấm di chuyển do sinh sống ở vùng phong tỏa, dẫn đến thiếu nhân sự và buộc phải tạm dừng hoạt động kho, cửa hàng.

Hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông,...

Giá các mặt hàng ở Bách Hóa Xanh tăng

Theo ghi nhận, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, giá rau muống hạt baby tươi bán ra đã lên tới hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg... Giá này nhiều người dân khi mua kêu tăng mạnh so với bình thường. 

Tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau củ được đóng gói nhỏ xíu với mức giá còn cao hơn, như: rau muống 300gr giá 19.000 đồng, khổ qua 300gr 22.000 đồng/phần... Đặc biệt, các loại rau gia vị như hành lá, ngò, ớt tươi, gừng... được nhiều người "tìm đỏ mắt" vẫn khó mua dù giá tăng gấp 2 - 3 lần so với trước. 

Nhật Linh

Nhật Linh