Theo báo cáo triển vọng thị trường kỹ thuật số Statista, Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ người dùng sử dụng hình thức thanh toán điện tử cao nhất thế giới với hơn 500 triệu người, chiếm 39,5% dân số. Xếp vị trí thứ hai là Hàn Quốc với tỷ lệ 29,9% và theo sau là Việt Nam với 29,1%.
Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử cao hơn bình quân toàn cầu, mức chi của mỗi khách hàng thấp, ước tính chỉ đạt khoảng 74 USD.
Theo Allied Market Research, thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam đạt giá trị 250 tỷ USD trong năm 2019 và được ước lượng có thể cán mốc 2.732 tỷ USD vào năm 2027. Những thay đổi chóng mặt về công nghệ trong các năm gần đây đã giúp các tổ chức tài chính có thể cung cấp các dịch vụ như ngân hàng điện tử và mobile money cho nhiều người tiêu dùng hơn.
Tính đến 2019, Việt Nam có hơn 45 Fintech được thành lập, thì 2/3 trong số đó cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay chỉ có khoảng 50% dân số có tài khoản ngân hàng. Đặc biệt ở vùng nông thôn, số người có tài khoản ngân hàng còn tương đối thấp.
Tuy nhiên, nhờ sự xuất hiện của các dịch vụ thanh toán qua điện thoại như các ví điện tử và sự cải thiện về cơ sở hạ tầng truyền thông, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút lượng lớn người tiêu dùng chuyển qua thanh toán điện tử.
Tại Trung Quốc, thị trường ứng dụng thanh toán điện tử đang phát triển bùng nổ và hiện được thống trị bởi Alipay và WeChat Pay. Hai ứng dụng này được sử dụng rộng rãi trên nhiều nền tảng và tại hàng triệu của hàng, kể cả các sạp hàng ở chợ truyền thống.
Tuy nhiên, xét về tổng giá trị giao dịch bình quân năm trên một người dùng, Trung Quốc thua xa so với Mỹ và một số nước châu Âu như Anh, Na Uy, Italy. Statista dự báo, một khách hàng Trung Quốc bình quân chi khoảng 2.300 USD qua các ứng dụng thanh toán điện tử trong năm 2021. Con số này là hơn 7.000 USD tại Anh và gần 8.000 USD tại Mỹ.
Mức chi dự báo của người dùng Tây Ban Nha và Đức lần lượt là hơn 1.800 USD và hơn 1.500 USD.
Nhật Linh