Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố báo cáo thị trường nhà ở năm 2021 và xu hướng năm 2022 trên địa bàn thành phố. Trong đó, dù quy mô thị trường bất động sản, nhà ở tăng gấp đôi trong thời gian khoảng trên dưới 15 năm nhưng TP.HCM vẫn chưa chưa giải quyết được bài toán nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, giới trẻ và người nhập cư.
Đi cùng với đó là tịnh lệch pha cung cầu, thừa nhà ở cao cấp trong khi đó căn hộ bình dân (giá rẻ) bị thiếu trầm trọng.
Năm ngoái, thành phố ghi nhận tổng số 14.443 căn nhà đủ điều kiện huy động vốn và được chào bán ra thị trường, trong đó căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng 0%. Ngược lại rổ hàng có đến 10.404 căn nhà cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm gần 74%, còn lại là nhà ở phân khúc trung cấp, chiếm hơn 26%.
Căn hộ bình dân theo báo cáo này, có giá bán trên dưới 25 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp có giá bán 25 - 40 triệu đồng/m2 còn phân khúc nhà cao cấp có giá bán từ 40 triệu đồng/m2 trở lên.
HoREA cho biết, cơ cấu sản phẩm như năm 2021 là biểu hiện rõ nét cho thấy tình trạng lệch pha cung cầu, thị trường rơi vào tình trạng phát triển mất cân đối, thiếu bền vững.
Bên cạnh lệch pha cung cầu, Hiệp hội cũng cảnh báo cơn sốt đất ảo đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong hai tháng đầu năm nay. Vấn đề này đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm xử lý kịp thời các đầu nậu, cò nhà đất (môi giới), doanh nghiệp tạo sốt ảo để trục lợi.
HoREA dự báo, thị trường bất động sản TP.HCM năm 2022 có xu thế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trên tất cả các phân khúc, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
Nguyên nhân là do cần phải có thời gian để tiếp tục xây dựng bổ sung hệ thống cơ chế chính sách và do tác động của các quy định pháp luật có độ trễ và do đặc thù của quá trình đầu tư xây dựng dự án bất động sản để có sản phẩm nhà ở cũng có độ trễ (khoảng 18 - 24 tháng), nên nhìn tổng thể thị trường vẫn thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
Phân khúc bất động sản công nghiệp, logistics được hưởng lợi do xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm 2022.
Ngoài ra, phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có sự tái cấu trúc theo hướng nâng cao chất lượng, dịch vụ, tiện ích để phát triển bền vững.
Duy Anh/Sohuutritue.net.vn