Theo tờ Kommersant của Nga, chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga đã đạt được thỏa thuận về cách quản lý tiền điện tử. Hiện tại, các nhà chức trách Nga đang chuẩn bị một dự thảo luật, dự kiến sẽ công bố vào ngày 18/2, nhằm định nghĩa tiền điện tử là "một loại tương tự tiền tệ", chứ không chỉ là tài sản kỹ thuật số.
Báo cáo cho biết thêm chỉ có thể sử dụng tiền điện tử “trong lĩnh vực pháp lý” với đầy đủ thông tin nhận dạng, thông qua hệ thống ngân hàng hoặc thông qua các bên trung gian được cấp phép. Cũng theo tiết lộ từ Kommersant, các giao dịch tiền điện tử trên 8.000 USD sẽ phải được khai báo, nếu không sẽ bị cấu thành tội hình sự.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này.
Cụ thể, trong một báo cáo được công bố hôm 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nhu cầu đầu cơ khiến tiền điện tử tăng trưởng nhanh chóng và chúng mang các đặc điểm của kim tự tháp tài chính. Cơ quan này cũng cảnh báo bong bóng tiền điện tử sẽ hình thành trên thị trường, đe dọa sự ổn định tài chính và người dân Nga.
Ngân hàng này cũng đề xuất ngăn chặn các tổ chức tài chính thực hiện bất kỳ hoạt động nào đối với tiền điện tử. Họ cho biết cần phát triển cơ chế để ngăn chặn các giao dịch mua hoặc bán tiền điện tử đổi lấy tiền pháp định. Lệnh cấm được đề xuất cũng bao gồm các sàn giao dịch tiền điện tử.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết Nga là quốc gia có khá nhiều người sử dụng tiền điện tử với khối lượng giao dịch hàng năm khoảng 5 tỷ USD. Đây cũng là quốc gia lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, sau Mỹ và Kazakhstan.
Tuy nhiên, một số báo cáo gần đây cho thấy Tổng thống Putin đang ủng hộ các kế hoạch nhằm điều chỉnh ngành khai thác tiền điện tử, thay vì cấm hoàn toàn.
Nhật Linh (t/h)