Theo Tổng Cục thống kê, chỉ trong tháng 6/2021 bất chấp ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 05/2021.
Một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt bùng phát dịch tháng 4 vẫn tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp mới, điển hình như Bắc Giang tăng gần 12%, TP.HCM 5%, Bắc Ninh là 1%.
Không tính 2 doanh nghiệp mới thành lập tại TP.HCM với số vốn lần lượt là 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng thì tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới trong giai đoạn này đạt 942.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Vốn đăng ký mới chiếm gần 45% tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong giai đoạn này.
Kinh doanh bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp mới đăng ký mới tăng mạnh nhất với 44,8%, tiếp đến là y tế, giáo dục và vận tải kho bãi.
Trong tháng, cả nước có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 3.867 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% và tăng 20,2%; 5.238 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 23,7% và tăng 36,3%; 1.919 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 50% và tăng 40,3%.
Tuy nhiên, 2 đợt dịch bùng phát vào tháng 1 và tháng 4 cũng tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp hiện hữu. Hơn 70.200 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng, tăng gần 25% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng tạm ngừng kinh doanh chiếm trên 35.600 doanh nghiệp và chờ giải thể 24.600 doanh nghiệp. Phần còn lại gần 10.000 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Phần lớn doanh nghiệp chọn phương án đóng cửa có tuổi đời dưới 5 năm, quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Cụ thể, hơn 89% doanh nghiệp rút khỏi thị trường nửa đầu năm có vốn dưới 10 tỷ đồng, trong khi trên 100 tỷ đồng chỉ khoảng 1%.
Đinh Điệp