Evergrande vỡ nợ ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế toàn cầu?

Nguyễn Hồng
Thông tin Evergrande vỡ nợ gây ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới khi khiến chứng khoán lao dốc, USD tăng vọt, giá hàng hóa cũng biến động mạnh.

Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, có trụ sở chính đặt tại Thâm Quyến – sở hữu khối tài sản "khủng" với 408.000 chỗ đậu xe ô tô, quỹ đất rộng bằng quần đảo Malta và vô vàn bất động sản với mức giá cho thuê thấp một cách rất hấp dẫn.

Từ năm 2018 đến nay, chỉ sau 3 năm ngắn ngủi, Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, trở thành nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất toàn cầu. Ngày 13/9, khoảng 100 nhà đầu tư đã bao vây trụ sở của Evergrande đòi nợ. 

Tính đến ngày 30/6, số nợ của Evergrande là 1.970 tỷ NDT, tương đương với GDP năm 2020 của Nam Phi, hoặc gần bằng 2% GDP của Trung Quốc. Thông tin từ Bloomberg cho hay, Bộ Nhà ở và Xây dựng Trung Quốc đã thông báo với các ngân hàng lớn, Evergrande không thể thanh toán lãi suất tín dụng đến hạn vào ngày 20/9.

Ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu

Cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc đã giảm mạnh, chứng khoán của Sinic Holdings niêm yết tại Hồng Kông giảm 87% trong phiên giao dịch hôm thứ 2 (20/9), và trái phiếu của nhiều công ty khác cũng lao dốc thảm hại.

Theo ghi nhận, thị trường chứng khoán sáng thứ 3 (21/9) tại Châu Âu cũng giảm theo, với cổ phiếu của các công ty vật liệu cơ bản giảm mạnh nhất, tại Anh giảm đến 4,5%, trong đó giảm nhiều nhất là cổ phiếu của Anglo American, mất tới 8,6%.

 bom nợ Evergrande
Trụ sở Tập đoàn Evergrande.

Nếu xét trong phạm vi tác động trực tiếp đối với hàng hóa, sự kiện Evergrande (nếu vỡ nợ) sẽ có nguy cơ lớn dẫn tới sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc – nơi chiếm tới 1/2 tổng mức tiêu thụ nhiều mặt hàng quan trọng.

Trung Quốc là nước sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới. Quốc gia này tiêu thụ khoảng 40 - 70% tổng hàng hóa tiêu thụ trên toàn cầu, trong đó một phần lớn dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

Vậy phần tiêu thụ hàng hóa cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm bao nhiêu trong tổng tiêu thụ hàng hóa của nước này?

• 40% tổng tiêu thụ THÉP của Trung Quốc (380 triệu tấn/năm, tương đương 20% tổng sản lượng toàn cầu).

• 20% tổng tiêu thụ ĐỒNG quốc gia (2,7 triệu tấn = 20% của toàn cầu).

• 15% NHÔM quốc gia (6 triệu tấn = 9% của toàn cầu).

• 15% KẼM quốc gia (0,7 triệu tấn = 5% của toàn cầu).

• 10% NICKEL quốc gia (0,2 triệu tấn = 8% của toàn cầu).

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc chiếm khoảng 5 - 20% tổng nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Như vậy, Evergrande rõ ràng là một "nhà tiêu thụ khổng lồ" của thị trường hàng hóa thế giới.

Sau những thông tin Evergrande vỡ nợ, giá kim loại đồng loạt lao dốc trong phiên 20/9 do lo sợ lĩnh vực bất động sản và xây dựng của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lan truyền, dẫn tới nhiều vụ vỡ nợ hơn nữa, và có thể khiến giá bất động sản ở Trung Quốc đại lục có sự điều chỉnh mạnh mẽ. Nếu điều đó xảy ra sẽ kéo theo sự sụt giảm mạnh trong các hoạt động xây dựng nói chung,ảnh hưởng xấu đến nhu cầu thép và các vật liệu xây dựng khác trên toàn cầu.

Giá nhôm cùng phiên giảm 0,8% xuống 2,862 USD/tấn, kẽm giảm 2,4% xuống 3,014 USD/tấn, chì giảm 1,3% xuống 2,153 USD và thiếc giảm 1% xuống 33,780 USD.

Là nhóm hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất, giá quặng sắt 62% nhập khẩu tới Trung Quốc phiên 20/9 giảm 2,52%, xuống 91,75 USD/tấn. So với thời điểm cao kỷ lục hồi tháng 5, giá quặng sắt hiện đã mất khoảng 60%. Tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay giá quặng sắt đã mất 23%. Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc tiêu thụ tới 1/5 tổng nguồn cung thép toàn cầu.

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng do hoạt động bán tháo bởi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc tiêu thụ tới 1/5 tổng nguồn cung đồng toàn cầu. Theo đó, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London phiên này kết thúc phiên giảm 3,2% xuống 9.010 USD/tấn, trong phiên có lúc xuống chỉ 9.005 USD/tấn, thấp nhất kể từ 20/8.

Nickel phiên này cũng giảm 1,7% xuống 19.030 USD/tấn, bất chấp lo ngại rằng Indonesia sẽ hạn chế xuất khẩu khoáng sản này.

Evergrande vỡ nợ liệu có tạo ra khủng hoảng kinh tế?

Nhà phân tích thị trường cấp cao của The Price, Phil Flynn cho biết - chắc chắn nhà đầu tư sẽ còn tiếp tục hoảng sợ bởi nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn ở Trung Quốc có thể gây áp lực giảm đối với nhiều mặt hàng mà Trung Quốc tiêu thụ, không riêng kim loại.

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là Trung Quốc không thể kiềm chế được hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ của một công ty này – ý nói tới sự phá sản của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu - Lehman - đã châm ngòi nổi cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên, ông Flynn trấn an rằng: Hiện tại vẫn "còn quá sớm để gọi đây là một cuộc khủng hoảng lớn" và các thị trường có thể đang đánh giá quá cao rủi ro đối với nhu cầu hàng hóa". Theo ông, "chỉ có thời gian mới trả lời được những nghi vấn hiện tại".

Nguyễn Hồng (t/h)

Tham khảo: Ft, Cnbc, Marketwatch

Nguyễn Hồng