Doanh nghiệp đang dần chuyển dịch sang kinh doanh online

Trần Nhật Linh
Xu hướng chuyển dịch hoạt động kinh doanh online trong và sau dịch Covid-19 của các doanh nghiệp sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Ngày 5/10, tại chuỗi workshop “Doanh nghiệp trong xu hướng chuyển đổi số” với chủ đề số 2 “Toạ đàm Go Online làn sóng kinh tế 2.0”, các chuyên gia đã có những chia sẻ về sự chuyển dịch hoạt động sang kinh doanh online của các doanh nghiệp trong đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Ông Lê Quý Xuân – Growth Manager của Sapo chia sẻ, dịch Covid-19 đã khiến ngày càng nhiều người tiếp xúc với kênh bán hàng online. Theo thống kê, quý 1/2020 chỉ có 20% nhà bán sử dụng phần mềm Sapo để bán hàng online, nhưng con số này ở quý 1/2021 đã tăng 46%, chứng tỏ đã có bước chuyển dịch lên môi trường online từ thị trường truyền thống.

Theo đánh giá của ông Xuân, trong quý 4/2021, TP.HCM và các tỉnh phía Nam đều đã mở cửa hoạt động. Bên cạnh đó, đây lại là giai đoạn cận Tết, các sàn thương mại điện tử có nhiều chương trình khuyến mãi lớn, từ đó mức độ tăng trưởng kinh doanh online sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân hiện nay đang thất bại trong chuyển dịch kinh doanh vì họ làm không bài bản, lướt sóng. Vì vậy cần có kế hoạch bài bản để doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng, trong đó, yếu tố tiên quyết là một người có kinh nghiệm.

Hiện nay công thức tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử không còn phù hợp, vì sẽ gặp nhiều thách thức hơn đến từ mức cạnh tranh sản phẩm, giá, chất lượng,… Người mới tham gia thị trường online phải bình tĩnh, chăm chút sản phẩm, tận dụng những chính sách ưu đãi của sàn  thương mại điện tử để thu hút khách, không ngại chuyện quảng cáo, livestream”, ông Xuân nhấn mạnh.

Theo ông Xuân, muốn chuyển dịch mô hình kinh doanh lên internet, cần có lượng nhân sự và nguồn hàng đầy đủ, công cụ hỗ trợ trong quá trình chuyển hàng cũng cần được ưu tiên, tránh tình trạng tiềm năng thị trường còn mà không đủ tiềm lực.

chuyen-dich-mo-hinh-kinh-doanh
Các chuyên gia tham gia thảo luận về việc chuyển dịch mô hình kinh doanh lên hình thức online.

Đồng quan điểm, ông Lê Anh Bằng – Head of Product Haravan cho rằng, trong quý 4/2021, sẽ có làn sóng bùng nổ với việc thay đổi và thích ứng việc kinh doanh online. Trong đó có 3 xu hướng là bán trên facebook, sàn thương mại điện tử hoặc website.

Khách hàng hiện đã quen với việc mua hàng online qua đợt dịch Covid-19, đồng thời trước đây các sàn thương mại điện tử đã có một thời gian dài tạo thói quen cho khách hàng. Tôi cho rằng, xu hướng phát triển từ cuối năm nay đến năm 2022 là bán hàng qua livestream”, ông Bằng nói.

Ông Nguyễn Thanh Trình – Giám đốc kinh doanh FPT Telecom International cho biết thêm, trong 409 doanh nghiệp ngẫu nhiên được chọn để khảo sát, có 91,8% doanh nghiệp đã hoặc đang có dự định, kế hoạch triển khai công nghệ trong giai đoạn này; có 8,2% chưa hoặc không có ý định triển khai.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn khi chuyển đổi mô hình sẽ mất nhiều kinh phí, nhất là các doanh nghiệp lớn có bộ máy cồng kềnh. Còn với doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh phí sẽ ít hơn, nhất là hiện có các công cụ phần mềm hỗ trợ, doanh nghiệp có thể chuyển đổi số từ bộ phận nhỏ nhất, tiết kiệm được nhiều chi phí.

Những dịch vụ công nghệ đã được cung cấp giúp doanh nghiệp không tốn đầu tư ban đầu, doanh nghiệp triển khai và sử dụng được ngay. Công nghệ sẽ giúp hoạt động kinh doanh không chạm - không gián đoạn. Qua giai đoạn bình thường mới, doanh nghiệp có thể đối mặt, ứng biến cho doanh nghiệp những khó khăn”, ông Trình nói.

Nhật Linh

Nhật Linh