Theo thống kê của Savills Việt Nam, nước ta hiện có 394 khu công nghiệp với tổng diện tích xấp xỉ 122.000 ha. Trong đó, 286 khu công nghiệp đang hoạt động và 108 khu công nghiệp đang xây dựng hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Các khu công nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công như: Dệt may, may mặc, thiết bị điện, linh kiện điện tử.
Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đầu tư khá nhiều vào các dự án khu công nghiệp. Cụ thể, Trung Quốc chủ yếu đầu tư tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Giang... chiếm tỷ lệ 20% các dự án. Các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. Ngoài ra còn có các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào 2 khu công nghiệp phía Bắc với tổng vốn là khoảng 380 triệu USD.
Bên cạnh đó, Singapore đầu tư 2 dự án với tổng vốn là 90 triệu USD. Các giao dịch là từ nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan với khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long) và nhà đầu tư Hàn Quốc với dự án ở khu công nghiệp Đồng Văn 4 (Hà Nam), tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD.
Theo Savills, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp một phần là do thời gian vừa qua, thị trường bất động sản công nghiệp ở cả phía Bắc và phía Nam nhận được nhiều vốn đầu tư. Ngoài ra, với việc áp dụng chính sách "sống chung với Covid-19" đã tạo điều kiện cho bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng ngày khả quan hơn.
Thời gian tới sẽ có 6 dự án bất động sản công nghiệp mới tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Long An... với nguồn cung diện tích lên tới 3.733 ha.
Tuy nhiên, với xu hướng công nghiệp 4.0, sử dụng các công nghệ hiện đại, việc xây dựng khu công nghiệp không chỉ đơn thuần như trước đây. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Unido đã xây dựng kế hoạch tạo ra nhiều khu công nghiệp như vậy để tăng cường công nghệ sạch và mức cacbon thấp giúp giảm thiểu phát thái khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm nước.
Nhật Linh