Từ việc hạ giá bán sản phẩm của thương hiệu Mixue: Nhà đầu tư cần làm gì?

Admin
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư (bên nhận quyền) nên thử hợp tác và đàm phán với đại diện chủ thương hiệu (bên nhượng quyền) Mixue để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.

Tại Việt Nam, Mixue thông báo hạ giá bán sản phẩm xuống 25% nhằm tăng thị phần nhưng giá nguyên liệu đầu vào chỉ giảm 10%. Để hạn chế những thiệt hại trong trường hợp này, theo các chuyên gia bên nhận quyền và bên nhượng quyền cần có tiếng nói chung.

Theo ông Hồ Thanh Thảo - Luật sư điều hành tại HT Partners Law&IP, những thỏa thuận như áp giá bán hàng hóa, giảm, tăng giá nguyên vật liệu,… nếu đã được thống nhất, quy định rõ trong hợp đồng và các bên đã ký vào hợp đồng thì phải tuân thủ. 

"Vì một khi đã ký vào hợp đồng thì những nội dung thỏa thuận giữa hai bên được ràng buộc, những quy tắc "cuộc chơi" được áp dụng và bên nhận quyền phải tuân theo những quy định trong hợp đồng là không bàn cãi, trừ trường hợp thỏa thuận đó trái quy định pháp luật", ông Thảo nói.

Trong hoạt động nhượng quyền, bên nhận quyền thường là bên tham gia vào cuộc chơi do bên nhượng quyền đặt ra nên có thể sẽ yếu thế hơn trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng. 

Để có thể bảo vệ lợi ích, bên nhận quyền cần phải xem xét, nghiên cứu kỹ các điều khoản ràng buộc được quy định trong hợp đồng nhượng quyền thương mại mà bên nhượng quyền đưa ra để xem liệu có bất lợi hay rủi ro nào có thể sẽ gặp phải sau khi ký hợp đồng hay không. 

Ngoài ra, bên nhận quyền cần xem xét kỹ bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, nơi cung cấp đầy đủ và chi tiết nhất về hệ thống nhượng quyền, mô hình hoạt động,…; đồng thời có thể đến xem các cơ sở nhận quyền để thấy sự hiệu quả của mô hình hoạt động là điều cần được cân nhắc trước khi tham gia vào cuộc chơi này.

Bên nhận quyền nên tham vấn ý kiến của luật sư có chuyên môn trong lĩnh vực này để có đánh giá pháp lý toàn diện, nhận diện các rủi ro và đưa ra các tư vấn phù hợp cho mình trước khi đặt bút ký vào hợp đồng.

mixue 5

Bên nhận quyền có thể cân nhắc tư vấn pháp lý để bảo về quyền lợi trong hợp đồng nhượng quyền.

Còn theo ông Đỗ Duy Thanh - sáng lập kiêm Giám đốc Viet Franchise và Công ty Tư vấn F&B Director, bên nhận quyền nên thử hợp tác và đàm phán với đại diện chủ thương hiệu (bên nhượng quyền) để tìm ra giải pháp tốt nhất cho cả hai bên. Các cuộc đàm phán có thể bao gồm xem xét lại hợp đồng nhượng quyền hoặc thỏa thuận về điều chỉnh chính sách giá.

Bên cạnh đó, bên nhận quyền cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của họ theo hợp đồng nhượng quyền, tìm hiểu về các luật và quy định liên quan để bảo vệ quyền lợi của mình.

Ngoài ra, bên nhận quyền cần thấu hiểu tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng để bảo vệ lợi ích dài hạn của mình. Điều này có thể bao gồm các chương trình khuyến mãi, sự tham gia trong cộng đồng, và lắng nghe phản hồi từ khách hàng.

Cuối cùng, trong trường hợp không có giải pháp hợp tác, bên nhận quyền có thể cân nhắc tư vấn pháp lý để bảo vệ quyền lợi của họ trong hợp đồng nhượng quyền và định rõ các quyền và trách nhiệm của cả hai bên.

Võ Liên