Ảnh minh họa
Tại hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN do Ngân hang Nhà nước tổ chức sáng 14/4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết tính đến ngày 31/3/2021, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2020 là 1,3%.
Tín dụng chủ yếu tập trung vào vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%;... Trong khi đó, tín dụng vào chứng khoán đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020; tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
Tuy tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá thận trọng khi giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2021.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, năm 2021 Ngân hàng Nhà nước định hướng mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đặc biệt, theo Thống đốc, tăng trưởng tín dụng phải hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thống đốc nhấn mạnh, tín dụng là lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong chỉ đạo điều hành. Bởi đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, nghiệp vụ truyền thống và chủ yếu vẫn là tín dụng, cả hệ thống thu ngoài lãi chỉ vào khoảng 30%, tùy từng ngân hàng. Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm tra những vi phạm tiềm ẩn hoạt động ngân hàng đều tập trung ở hoạt động tín dụng. Hiện dư nợ tín dụng/GDP trên 140%.
Đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh
Cũng trong hội nghị sáng nay, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng lưu ý, các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng tưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ; tín dụng phù hợp với cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng để phòng rủi ro, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra các tổ chức tín dụng cũng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Trong hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch… do ảnh hưởng dịch COVID-19, tính đến cuối tháng 3/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263.000 khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN đề nghị các ngân hàng cần kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán
Có hơn 660.000 khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng được miễn, giảm, hạ lãi suất. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới trên 452.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng.
Về phương hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các đơn vị bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021, góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%.
Lưu ý nội dung dư luận quan tâm đó là tăng trưởng tín dụng có đi vào lĩnh vực rủi ro khi các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang "sốt", Thống đốc đề nghị các ngân hàng cần kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Theo VTV NEWS