Tòa soạn xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 17/5/2021, theo Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.
Xu hướng tăng trung hạn đang suy yếu
(CTCK Yuanta Việt Nam – FSC)
Chúng tôi cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang và liên tục xuất hiện các nhịp tăng giảm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, chỉ số VN-Index đang giao dịch gần vùng kháng cự 1.283 – 1.300 điểm, điểm tiêu cực ở giai đoạn hiện tại là dòng tiền vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và độ rộng thị trường đang thu hẹp cho nên chiến lược phù hợp ở giai đoạn này là nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý vẫn đang trong giai đoạn bi quan cho nên tỷ trọng cổ phiếu nên duy trì ở mức thấp.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TRUNG TÍNH. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (tỷ trọng cổ phiếu dưới 40%) do rủi ro thị trường vẫn ở mức cao và có thể chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội ngắn hạn, đặc biệt các nhà đầu tư nên hạn chế mua ở các nhịp tăng mạnh.
Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn vẫn ở mức cao và dòng tiền vẫn có xu hướng suy yếu dần cho thấy xu hướng TĂNG trung hạn đang suy yếu. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn chỉ nên xem xét NẮM GIỮ và không mua vào ở tuần giao dịch tới.
Xung lực tăng điểm của chỉ số đang có phần suy yếu
(CTCK KB Việt Nam - KBSV)
VN-Index diễn biến giằng co và tạo mẫu nến spinning cân bằng trong phiên14/05. Theo quan sát của KBSV, mặc dù xu hướng tăng ngắn hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng xung lực tăng điểm của chỉ số đang có phần suy yếu do chịu ảnh hưởng bởi vùng đỉnh cũ quanh 1.280 điểm. Nếu không sớm lấy lại xung lực tăng trong một hai phiên tới, VN-Index sẽ có rủi ro điều chỉnh rõ nét hơn khi đánh mất vùng hỗ trợ gần tại 1.256-1.258 điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên tập trung cho các vị thế ngắn hạn, nhưng cần linh hoạt giảm 1 phần tỷ trọng đang nắm giữ nếu VN-Index đánh mất vùng hỗ trợ gần.
Nên cân nhắc chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận
(CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)
VN-Index đã xuất hiện nhịp tăng và vượt mốc 1.260 điểm sau nhiều lần thất bại liên tiếp. Mặc dù đã tăng điểm đáng kể tính từ mốc 1.200 điểm nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn chưa cho thấy sự lan tỏa đều trên thị trường. Áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư ngoại với tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn đang hiện hữu cũng góp phần gia tăng áp lực tâm lý tiêu cực lên nhà đầu tư nói chung và tạo nên diễn biến rung lắc trong phiên 14/05.
VCBS cho rằng nhà đầu tư tạm thời nên cân nhắc chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng và chỉ nên giải ngân với tỷ trọng vừa phải vào một số cổ phiếu vốn hóa trung bình có triển vọng kinh doanh tốt và đang trong đà tăng tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Tận dụng các nhịp rung lắc để tái cơ cấu danh mục
(CTCK Phú Hưng – PHS)
Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có phần thận trọng. Tuy nhiên, chỉ số vẫn giữ được xu hướng chính là tăng điểm, khi chỉ số duy trì đóng cửa trên MA 5 và 20, cùng với +DI nằm trên –DI cho tín hiệu củng cố cho xu hướng hiện tại. Thêm vào đó, MACD nằm trên Signal duy trì tín hiệu mua và RSI nằm trên vùng 59 cho thấy chỉ số có cơ hội hướng lên ngưỡng kháng cự gần quanh vùng 1.280 – 1.285 điểm (đỉnh cũ).
Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp và duy trì đóng cửa trên MA20, cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn đang mạnh dần lên. Trong trường hợp tích cực, chỉ số có thể hướng tới vùng kháng cự tâm lý 300 điểm.
Nhìn chung, thị trường đang nằm trong xu hướng tăng điểm. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc để tái cơ cấu danh mục vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và đang được dòng tiền mạnh hướng tới.
Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Phúc Huy (T/H)