Làm sao để kinh tế quay lại lộ trình tăng trưởng như trước dịch?

Trần Nhật Linh
Dịch Covid-19 làm chậm tiến trình tăng trưởng của Việt Nam, ngay cả sau khi mở cửa để phục hồi, nền kinh tế vẫn phải đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Covid-19 làm chậm tiến trình tăng trưởng

Lâu này doanh nghiệp tư nhân vẫn đóng vai trò tiên phong trong tiến trình phát triển của kinh tế Việt Nam, đặc biệt góp phần đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình trong thời gian ngắn. Tỷ lệ nghèo đói cũng giảm từ 50% năm 1990 xuống còn khoảng 2% năm 2018.

Để đạt được những thành tựu đó, các chính sách cửa thương mại và theo đuổi mô hình tăng trưởng hướng đến xuất khẩu đã được triển khai đồng bộ. Trong những năm qua, Việt Nam thu hút được lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các phân khúc sử dụng nhiều lao động của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Điển hình, Việt Nam là cứ điểm xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới khi đáp ứng trên 40% số sản phẩm điện thoại toàn cầu của Samsung.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng năng động không kém với các công ty lớn trong nước đang nổi lên như Vingroup, VietJet, Masan,...

Với những thành tựu ấn tượng đã đạt được, Việt Nam có khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, bằng cách gắn mục tiêu phát triển với tăng trưởng năng suất, nhờ đó tránh được bẫy thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, khi đang trong tiến trình phát triển thì cuộc khủng hoảng do Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay xảy ra, khiến nền kinh tế Việt Nam chịu không ít tác động.

Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng trong việc kiểm soát đại dịch bằng việc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng dẫn đến sự suy giảm đáng kể của các hoạt động, gây khó khăn về kinh tế và xã hội cho các doanh nghiệp lẫn hộ gia đình.

Mặc dù Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng dương vào năm 2020, với tỷ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 2,9%, mức độ tăng trưởng này chưa bằng một nửa so với thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

du-lich2
Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch Covid-19.

Hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với biến thể Delta, lần này với mức độ lây nhiễm cao trong khi tỷ lệ tiêm chủng toàn dân còn thấp. Tình trạng này đã kéo lùi lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Hướng đi nào cho kinh tế Việt Nam?

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động kinh doanh và việc làm của Việt Nam, gây áp lực đối với tốc độ tăng trưởng chung. Một số yếu tố khiến doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng, bao gồm hội nhập của quốc gia trong thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư và ngành du lịch.

Cú sốc Covid-19 lan truyền tới doanh nghiệp thông qua nhiều kênh và có tác động củng cố lẫn nhau, bao gồm giảm cầu, giảm và gián đoạn nguồn cung đầu vào, thắt chặt điều kiện tín dụng và suy giảm thanh khoản, cũng như gia tăng bất ổn.

Thành công ban đầu trong ngăn chặn đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh, làm tổng tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa tăng lên 94% vào tháng 10/2020. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở mức thấp hơn bình thường (trước khủng hoảng) và sẽ bị hạn chế hơn nữa bởi các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng từ tháng 7/2021.

Nhu cầu giảm dường như là kênh có tác động lớn nhất. Gần 1/4 số doanh nghiệp có số giờ hoạt động giảm và doanh số giảm khoảng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng việc làm thấp hơn đáng kể so với mức tháng 1/2020.

Ngoài ra, tình trạng phục hồi còn chưa đồng đều và các công ty đang phải đối mặt với áp lực lớn hơn, gay gắt hơn từ đợt đóng cửa mới do sự gia tăng mạnh các trường hợp Covid-19 ở Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8/2021. Nhìn chung, doanh nghiệp tiếp tục có những cú sốc doanh thu nghiêm trọng. Mặc dù thanh khoản đã được cải thiện, các công ty vẫn có nguy cơ bị nợ đọng đáng kể.

Ngay cả sau khi phục hồi, trong bối cảnh biến động, gánh nặng nợ nần và kỳ vọng tiêu cực có thể gây sụt giảm đầu tư, đe dọa phá sản, và mất việc làm dẫn đến làm chậm tăng trưởng đối với nền kinh tế.

nha-may-san-xuat
Doanh nghiệp tư nhân cần đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế. Ảnh: Lê Hương

Dù vậy, bên cạnh những tiêu cực, dịch Covid-19 cũng có những khía cạnh tích cực, nhiều doanh nghiệp đã ứng phó với tình hình bình thường mới bằng cách ứng dụng các nền tảng kỹ thuật số.

Tháng 9 - 10/2020, gần 60% số doanh nghiệp khảo sát đã áp dụng hoặc gia tăng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để ứng phó với Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp lớn và các công ty dịch vụ có mức độ ứng dụng cao hơn.

Hoạt động thương mại điện tử cũng gia tăng đáng kể sau khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều trang thương mại điện tử hàng đầu đã và đang chứng kiến sự bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng. Các nhà bán lẻ lớn chứng kiến gia tăng mạnh mẽ về doanh số bán hàng trực tuyến.

Đợt bùng phát dịch cho thấy các doanh nghiệp trong nước cần cấp bách đẩy mạnh áp dụng và phổ biến công nghệ, giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP nhanh chóng trong thời gian qua của Việt Nam dựa rất nhiều vào tăng lực lượng lao động và vốn đầu tư, trong khi tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp còn chậm hơn hầu hết các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác. Chính vì vậy, năng suất sẽ phải trở thành động lực chính cho tăng trưởng cùng với tích lũy vốn liên tục. Thúc đẩy năng suất đòi hỏi phải khai thác triệt để tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, thông qua các cải cách chính sách nhằm hạn chế việc cản trở năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua quá trình số hóa và dựa vào nâng cao năng suất là yếu tố cần thiết để đưa Việt Nam trở lại lộ trình tăng trưởng cao.

Nhật Linh

Nhật Linh