Với mong muốn chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh, từ ngày 5/9, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM đã khởi động chương trình “vắc xin tinh thần". Chương trình dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch.
Qua nghiên cứu, các nhóm chuyên gia nhận thấy đại dịch làm tăng tỉ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần, bao gồm tỉ lệ mắc trầm cảm, căng thẳng, rối loạn lo âu, ý định tự tử trên toàn thế giới.
Trong đó, bệnh nhân, nhân viên y tế, thân nhân, người lao động và học sinh - sinh viên là những nhóm dễ chịu tổn thương bởi Covid-19 có nhu cầu được hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch. Nhóm dự án của Trường Đại học KHXH&NV cho rằng ngoài những liều vắc xin ngừa Covid-19, người dân thành phố cần những "mũi vắc xin tinh thần” để gia tăng sức đề kháng tinh thần trước sự tấn công của đại dịch.
Chương trình "vắc xin tinh thần" có 3 nhóm nội dung hoạt động chính, gồm: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, tham vấn và trị liệu tâm lý, hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19.
Với nội dung phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý; gia tăng sự lạc quan, khả năng thích nghi, phát triển năng lượng tích cực, bồi đắp sự bình an bên trong; giúp cá nhân được trấn an, thích nghi, đương đầu tốt hơn với dịch bệnh, đầu tư năng lượng tích cực cho hoạt động học tập và lao động hàng ngày.
Với nội dung tham vấn và trị liệu tâm lý, chương trình tư vấn cho nhóm người dân có nguy cơ vừa/trung bình đến cao. Nhóm đối tượng này có thể là người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19… Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly hoặc đang chữa trị.
Trong nội dung hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19, chương trình "vắc xin tinh thần" hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được điều trị, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động hay các chương trình hỗ trợ của chính phủ, của thành phố…
Nhật Linh