Khó khăn trong công tác chống buôn lậu mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng

Admin
(SHTT) - Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã tổ chức Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng: dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng - Thực trạng và giải pháp”.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội, gây hậu quả, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, lợi ích của người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của tổ chức cá nhân sản xuất và kinh doanh chính đáng, đồng thời gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong năm 2022, trên cả nước phát hiện và xử lý 3.527 vụ vi phạm, gồm: 807 vụ kinh doanh hàng lậu; 2491 vụ gian lận thương mại và 229 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Xét về nhóm mặt hàng, có 1.009 vụ dược phẩm, 1.618 vụ mỹ phẩm và 822 vụ thực phẩm chức năng vi phạm. Số vụ vi phạm về thực phẩm chức năng tăng 147,5% so với năm 2021.

hang gia hang lau

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) nhìn nhận, số vụ việc phát hiện và xử lý nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩn chức năng xu hướng giảm dần qua các năm nhưng xu hướng vi phạm dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân thành lập công ty, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn hơn, phương thức thủ đoạn tinh vi với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Cụ thể, chuyển từ hình thức kinh doanh, mua bán vận chuyển, giao nhận hàng hóa trực tiếp phổ thông, truyền thống sang ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để mua bán hàng hóa, kinh doanh vận chuyển hàng hóa vi phạm qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ được công khai mua bán giao dịch trên môi trường mạng, đến tận nhà dân trong khi còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu lực lượng, biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý loại hình vi phạm này.

Hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn diễn ra phức tạp, tỷ lệ phát hiện và xử lý chưa tương xứng với thực tế, một số vụ việc vụ án phát hiện song không xác định được đối tượng vi phạm, khó khăn trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tang vật, vật chứng...

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đức Đông - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia - nhấn mạnh: Trước tình hình đó, cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhằm kiểm soát tốt hơn trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Phạm Tuấn