Huế xây dựng thương hiệu cho đặc sản ‘Cá Dìa Tam Giang’

Admin
Cá Dìa ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chủ yếu là Dìa bông, một đặc sản danh tiếng của ẩm thực Huế đang được đặc biệt quan tâm để xây dựng thương hiệu. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng và phát huy giá trị nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang".

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến thống nhất về danh mục sản phẩm, bản đồ khoanh vùng địa lý, mẫu logo, quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang". Đây là tin mừng cho bà con ngư dân vùng đầm phá với cơ hội phát triển kinh tế từ thương hiệu loài đặc sản của vùng.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Phát triển vùng nuôi cá Dìa thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu "Cá Dìa Tam Giang" tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tìm cách khẳng định thương hiệu

Cá Dìa thuộc họ cá Vượt, thân dẹt, chất lượng thịt ngon, nhiều khoáng chất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Dù vậy, sản phẩm cá Dìa được nuôi trồng trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai hiện nay chủ yếu đang được thu mua qua các đầu mối nhỏ lẻ, nhiều khâu trung gian. Điều này dẫn đến giá cả thị trường thường không ổn định, lên xuống bấp bênh.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cá Dìa Tam Giang – Cầu Hai, tăng nguồn thu nhập người dân, đồng thời giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai dự án “Phát triển vùng nuôi cá Dìa thương phẩm theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu cá Dìa Tam Giang tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Qua đó, bước đầu cơ bản đạt mục tiêu xây dựng mô hình nuôi cá Dìa thương phẩm quy mô 2 ha với năng suất 3,6 tấn/ha, tỷ lệ sống trên dưới 60% và trọng lượng trung bình 200g/con.

z4707230860804_29adb48ef7ee192f6677a3032e98349c(2)

Tiến sĩ Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế.

Hiện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thiết lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể, văn bằng bảo hộ, hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ và xây dựng mô hình tổ chức quản lý, phát triển và khai thác nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang".

Ông Trần Đình Tri – Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ - báo cáo các nội dung lấy ý kiến về danh mục sản phẩm; bản đồ khoanh vùng địa lý, mẫu logo; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang". Qua đó, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến và được đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện trước khi cho ra sản phẩm cuối cùng.

Tiến sĩ Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - cho hay: “Xây dựng phương án tổ chức và quản lý nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang" là rất cần thiết, nhằm tạo ra sản phẩm đặc trưng và mang thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhãn hiệu tập thể sẽ giúp tăng cường sự nhận diện của sản phẩm đặc sản của đầm phá – cá Dìa, đồng thời nâng cao giá trị kinh tế, uy tín của cá Dìa Tam Giang”.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ bày tỏ mong muốn việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tham gia dự án và người dân sống ở vùng đầm phá. Các nội dung về danh mục sản phẩm, bản đồ khoanh vùng địa lý, mẫu logo hay quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang" cần được thống nhất để đạt mục tiêu và hiệu quả nhất, tiến tới phát triển thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Đối tượng đặc hữu còn nhiều tiềm năng

“Thương anh em cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”, câu ca có tự ngày xửa ngày xưa nói lên sự ám ảnh của phá Tam Giang – Cầu Hai. Hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là một trong những hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á với chiều dài 24 km, diện tích 52 km2, theo hướng Tây Tây Bắc - Đông Đông Nam.

Từ cửa sông Ô Lâu đến sông Hương ra biển Thuận An, phá Tam Giang thuộc địa phận 12 xã của các huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Phá Tam Giang không chỉ là thắng cảnh đẹp vùng trời nước mênh mông, mà còn có nguồn lợi thủy sản dồi dào phong phú và đa dạng về chủng loại, trong đó có loại từng là đặc sản tiến Vua.

Tam Giang – Cầu Hai là vùng đất nước lợ được xem là một trong những “vựa cá tôm” lớn của Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phần lớn đều là vùng nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phú Vang có diện tích nuôi cá tôm lớn nhất, chiến tới 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21 %; còn lại là thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền và Quảng Điền. Tiềm năng và lợi thế này giúp cho vùng đầm phá có nhiều bước phát triển về nghề nuôi trồng thủy đặc sản để xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ và nhãn hiệu tập thể theo Đề án “Phát triển thủy đặc sản vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế”.

h3a-ru-cha-8478

 Vùng đầm phá Tam Giang có nguồn lợi thủy sản dồi dào trong đó đặc biệt có cá Dìa tiến Vua.

Cá Dìa phá Tam Giang là một loại cá quý hiếm, thơm ngon lại giàu giá trị dinh dưỡng mà người Huế gọi là “cá thuốc Bắc”. Cháo cá Dìa, các món canh cá Dìa, cá Dìa kho, nướng… phá Tam Giang nổi tiếng và trở thành đặc sản đối với du khách thập phương khi tới Huế.

Cá ngon là nhờ hệ rong tảo phong phú, đa dạng và phì nhiêu làm thức ăn. Khi cá Dìa lớn, chúng vẫn còn quyến luyến ở trong đầm phá, không vội ra biển như hiểu "ơn huệ" các loài rong tảo hào phóng ở vùng đầm phá Tam Giang trao tặng.

Cá Dìa có giá trị kinh tế tương đối cao so với nhiều loại thủy sản khác, giá bán trên thị trường thường giao động từ 130.000 – 200.000 đồng/kg. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân nuôi cá Dìa xen ghép với tôm sú, cua trong ao đất và nuôi lồng với các đối tượng cá nước lợ khác.

dc1505f90553d00d8942

 Nâng tầm giá trị và thương hiệu cá Dìa Tam Giang.

Trước đây, cá Dìa chưa hình thành vùng nuôi chuyên, tập trung tạo ra sản phẩm an toàn theo hướng hàng hóa đặc trưng và chủ lực. Đến nay trên địa bàn vẫn còn thiếu cơ sở sản xuất sinh sản nhân tạo giống cá Dìa, nguồn giống đưa ra thị trường được lấy từ tự nhiên trong tỉnh hoặc mua từ các tỉnh Nam Trung bộ.

Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Thừa Thiên Huế đã đi sâu nghiên cứu sinh sản nhân tạo giống cá Dìa, triển khai thành công hai mô hình nuôi ghép trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi đơn ở đầm phá Tam Giang. Tỷ lệ sống đạt trên 80%, trọng lượng đạt từ 300 – 400g/con sau 6 – 8 tháng nuôi.

Việc sinh sản nhân tạo, ươm nuôi cá Dìa được Hội đồng Khoa học của tỉnh đánh giá phù hợp hoàn toàn với điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất tại địa phương nên có thể ứng dụng, nhân rộng.

Việc phát triển nhãn hiệu tập thể "Cá Dìa Tam Giang" được kỳ vọng sẽ mang đến đột phá trong nâng cao giá trị kinh tế, thương hiệu của thủy đặc sản này trong tương lai. Để rồi, người tiêu dùng biết đến Tam Giang – Cầu Hai không chỉ là nỗi ám ảnh trong câu ca xưa, không chỉ có thắng cảnh trữ tình giàu trầm tích văn hóa của vùng nước lợ mà còn có những món ngon nhớ mãi từ cá Dìa Tam Giang.

Bảo Hòa