Theo ông Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch đô thị Việt Nam, đô thị thông minh kết hợp các nhân tố con người, công nghệ và quản trị dựa trên nền kinh tế chia sẻ.
Dưới góc nhìn của quy hoạch đô thị, đô thị thông minh là đô thị có không gian bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối hạ tầng tiên tiến nhằm khai thác tiềm năng, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện đời sống người dân và quản lý đô thị tổng hợp để phát triển bền vững.
Thế giới đánh giá đô thị thông minh dựa trên 6 tiêu chí: Kinh tế có sức cạnh tranh, di chuyển (giao thông - hạ tầng kỹ thuật), cư dân có năng lực, môi trường, quản lý đô thị, chất lượng cuộc sống tốt. Dưới góc nhìn quy hoạch đô thị, nền kinh tế đô thị thông minh sẽ là kinh tế tri thức, có đô thị cạnh tranh cao.
Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, hạ tầng thông tin đã cơ bản được phủ sóng 4G, khả năng tiếp cận các dịch vụ về công nghệ thông tin và tỷ lệ sử dụng các thiết bị di động ở mức khá cao so với thế giới.
Lộ trình đô thị thông minh đến 2030 sẽ tổ chức thực hiện thí điểm điển hình ở một số địa phương, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng; tiến hành từng bước, có những tiến bộ cụ thể và vững chắc; dựa trên đặc điểm riêng về đô thị, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân; đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn; không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào
"Mô hình thành phố thông minh là một sự lựa chọn chứ không phải tất yếu phải trải qua trên con đường hiện đại hóa như một số quan niệm nhầm tưởng. Đô thị thông minh là một trong rất nhiều mô hình như thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố kinh tế - sinh thái, thành phố làng,... tùy theo khả năng kinh tế, văn hóa truyền thống, trình độ phát triển của đô thị đó", ông Hải nói.
Nhật Linh