Để phát triển tài sản số cần xây dựng niềm tin của cộng đồng

Trần Nhật Linh
Yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án tài sản số là niềm tin của cộng đồng, vì vậy cần xây dựng những chiến lược truyền thông bài bản, chính thống.

Những năm gần đây, các loại tài sản số như crypto và NFT đang tạo ra “cơn sốt” trên toàn cầu, bất chấp khủng hoảng Covid-19. Đứng trước cơ hội đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng blockchain để tạo nên nền kinh tế số được mã hóa.

Điển hình, nhận thấy tiềm năng trên thị trường tài sản số, HanaGold -đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kim hoàn vừa ra mắt một loại tài sản số NFT. Tuy nhiên, việc bước chân vào thị trường mới mẻ này gặp không ít khó khăn.  

Theo bà Hana Ngô -  Founder & CEO HanaGold, áp dụng NFT vào lĩnh vực trang sức có thể tạo ra những mẫu sản phẩm độc quyền, độc bản thông qua việc cấp chứng nhận số, làm gia tăng giá trị sản phẩm. Những nhà đầu tư nhận thấy ưng ý với tiềm năng của sản phẩm có thể sở hữu hoặc đầu tư để tạo ra NFT thương mại, đem lại thêm thu nhập cho người thiết kế. Tuy nhiên, để làm được việc này cần thay đổi thói quen của người tiêu dùng - đây là thách thức cực kỳ lớn với HanaGold.

Trước giờ mọi người đã quen với việc đi mua vàng trực ngoài tiệm,  như vậy chúng tôi phải giúp mọi người có sự hứng thú với môi trường online", bà Hana Ngô chia sẻ.

NFT
Các chuyên gia tham gia thảo luận về NFT.

Ông Phạm Toàn Thắng – Founder & CEO Cổng Trời NFT Việt Nam - một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sở hữu công nghệ số chia sẻ, NFT cung cấp các giá trị cốt lõi để xác định thông tin, tính minh bạch, chủ sở hữu của một loại tài sản. NFT cũng cho phép người sở hữu đầu tiên, người sáng tạo sản phẩm cài vào hợp đồng thông minh những điều khoản về sở hữu tài sản, từ đó gia tăng được giá trị của tác quyền, phát sinh lợi nhuận thứ cấp hay thậm chí quyền thừa kế sau này. Tuy nhiên, các dự án NFT hiện nay vẫn còn gặp những tranh cãi về tính sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ và vấn đề pháp lý.

Khi chúng tôi mới làm nghe rất xa xôi, khá ảo, có nhiều người nghĩ đây là sự lừa đảo. Nhưng may mắn thị trường NFT đã phát triển nhanh, đến nay mọi người đã có sự hiểu biết và đón nhận nhiều hơn. Trước khi thực hiện các dự án NFT, chúng tôi đã tính toán và giải quyết vấn đề pháp lý để áp dụng vào các doanh nghiệp truyền thống suôn sẻ, thận trọng, đúng pháp luật”, ông Thắng nói.

Nhận định về tính bền vững của tài sản số, ông Andy Vũ – Founder & CEO MBC cho rằng, blockchain ra đời đã giải quyết được câu chuyện niềm tin giữa các cá nhân với nhau, thông qua một thế giới phẳng mà không cần hệ thống trung gian. Các loại tài sản số dựa trên công nghệ blockchain ra đời sẽ giúp nhiều lĩnh vực bước chân vào thị trường, doanh nghiệp từ hoạt động trực tiếp sang trực tuyến, tạo ra được một hệ sinh thái có tính cộng đồng và bền vững hơn.

Tuy nhiên, các nhân sự tham gia lĩnh vực tài sản số đa phần nằm trong lĩnh vực công nghệ, vì vậy việc chuyển tải thông điệp ra thị trường còn yếu.

9176299ca38f6ad1339e
Ông Andy Vũ – Founder & CEO MBC.

Yếu tố quan trọng nhất là niềm tin của cộng đồng. Vì tài sản số có tiềm năng tăng trưởng lớn, có khả năng tạo ra nhiều cơ hội, nhưng nhiều dự án làm còn ẩu, không bài bản”, ông Andy Vũ nhận xét.

Theo ông Andy Vũ, kiến thức về blockchain và NFT hiện nay còn hạn chế, cho nên khi dẫn dắt thông tin dự án, sản phẩm ra thị trường phải xây dựng các câu chuyện truyền thông dễ hiểu, ngắn gọn hướng tới những khách hàng mục tiêu.

Đặc biệt, các dự án tài sản số cần chứng minh tính chính thống và yếu tố bền vững của dự án. Các dự án cần chứng minh được nguồn lực, con người, kế hoạch và cần được thông tin trên các kênh truyền thông chính thống.

Dành thời gian chuẩn hóa những chất lượng truyền thông sẽ giúp cho các dự án phát triển thuận lợi, khách hàng có niềm tin, cộng đồng tham gia dễ dàng hơn. Các dự án tài sản số niềm tin là quan trọng nhất, một khi mất niềm tin thì dự án rất dễ bị cộng đồng quay lưng, vì vậy cần sự chuẩn chỉnh, nghiêm túc, chính thống”, ông Andy Vũ khẳng định.

Nhật Linh

Nhật Linh