Chiều 29-4, tại Hội nghị Giao ban Báo chí quý I/2021 do Ban Tuyên giáo Khánh Hòa tổ chức, UBND TP Nha Trang đã thông tin về việc đóng cửa chợ Đầm Tròn (khu vực trung tâm của chợ Đầm cũ).
Ông Vũ Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, khu vực Chợ Đầm Tròn đã ngừng cung cấp điện đối với 278 hộ tiểu thương. TP Nha Trang đã chỉ đạo đóng 6 cửa của Chợ Đầm Tròn, chỉ để 3 cửa cho tiểu thương di dời hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ có 90 hộ kinh doanh đăng ký, nhận bàn giao điểm kinh doanh ở Chợ Đầm mới. Còn lại 188 hộ chưa tiếp nhận, chưa di dời và tập trung đông người phản đối việc đóng cửa. Do vậy, đến nay TP vẫn chưa đóng toàn bộ Chợ Đầm Tròn.
Theo ông Hiếu, các tiểu thương cho rằng trước đây họ phải mua lô sạp để kinh doanh nên khi di dời phải bồi thường. Tuy nhiên, Chợ Đầm là tài sản nhà nước, Ban quản lý Chợ Đầm thu giá dịch vụ thuê mặt bằng nên không thể bồi thường mà chỉ hỗ trợ bằng tiền mặt, giảm phí dịch vụ khi qua Chợ Đầm mới.
Nhiều câu hỏi mà phóng viên đã đặt ra liên quan đến Chợ Đầm Tròn như: Hướng xử lý sắp tới; sắp xếp vị trí của các tiểu thương ở khu chợ cũ như thế nào; khu chợ cũ sau khi đóng cửa có tháo dỡ không, sắp xếp để làm gì; trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV chợ Đầm?... Ông Hiếu cho rằng TP Nha Trang đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Chợ Đầm bố trí vị trí lô sạp tại Chợ Đầm mới cho các hộ kinh doanh ở Chợ Đầm Tròn cũ theo hướng bằng hoặc hơn vị trí cũ. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu hiện nay là các tiểu thương không đồng thuận, không đăng ký nên không thể sắp xếp. Về hướng xử lý sắp tới, TP Nha Trang đang đợi UBND tỉnh sắp xếp cuộc họp để thống nhất việc chỉ đạo trong thời gian đến.
Ông Hồ Văn Mừng, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, cho biết quan điểm của tỉnh đối với mọi việc đều vì sự phát triển chung của tỉnh, vì lợi ích của nhân dân. Các công trình dự án phải phù hợp, đúng quy hoạch, đúng định hướng phát triển, có sự đồng thuận của nhân dân, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Việc xử lý khu chợ Đầm Tròn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy để chỉ đạo làm sao giải quyết dứt điểm việc này. Viêc giải quyết trên nguyên tắc vì lợi ích chung như đã nói, không vì lợi ích riêng của bất cứ ai.
Chợ Đầm Tròn cũ và mới
Về việc Chợ Đầm Tròn đập hay dùng làm gì, theo ông Mừng, đến nay Ban thường vụ Tỉnh ủy chưa nghe trình về nội dung này, nhưng chắc chắn phải trình hướng xử lý. Khi đó, Ban thường vụ phải cân nhắc có phù hợp quy hoạch không, phù hợp định hướng phát triển của Khánh Hòa nói chung và TP Nha Trang không? Giữa cái cũ và cái mới phải cân nhắc cái nào phải giữ lại cái nào phải xây dựng để phát triển? Tác động về dư luận, đời sống, an sinh xã hội…Trước đây, Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh dự án chợ Đầm mới đã được UBND Khánh Hòa giao cho Công ty CP Sông Đà Nha Trang đầu tư thực hiện từ năm 2013. Theo phương án được phê duyệt thời điểm này thì khu chợ Đầm tròn sẽ bị đập bỏ. Các lô sạp sẽ di dời vào khu chợ Đầm mới nằm ngay sau chợ cũ.
Tuy nhiên, từ năm 2014, các tiểu thương liên tục phản đối việc đập bỏ chợ Đầm Tròn. Các tiểu thương cho rằng chợ Đầm tròn là biểu tượng của TP Nha Trang như các khu chợ nổi tiếng khác Bến Thành, Đồng Xuân… Ngoài ra, kiến trúc của khu chợ Đầm tròn là độc đáo nên cần phải giữ gìn như một nét văn hóa của phố biển.
Việc dùng dằng chợ Đầm mới chợ Đầm cũ kéo dài hơn 6 năm qua khiến việc kinh doanh của các tiểu thương ở Chợ Đầm mới và Chợ Đầm Tròn đều bất tiện.
Theo Người Lao Động