Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Admin
(SHTT) - Theo chuyên gia Nguyễn Minh Tiến, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, việc hoàn thiện khung pháp lý sẽ là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội hôm 8/11, chuyên gia Nguyễn Minh Tiến, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh chỉ rõ, thị trường khoa học và công nghệ là nơi diễn ra các giao dịch mua - bán các sản phẩm như: bản quyền, bí quyết, sáng kiến và các dịch vụ liên quan đến hoạt động khoa học - công nghệ. Là một dạng của thị trường hàng hóa, nhưng thị trường khoa học và công nghệ là loại thị trường đặc biệt do đặc tính của “hàng hóa” khoa học và công nghệ. Hàng hóa khoa học - công nghệ có hai đặc tính là tính không có khả năng cạnh tranh và tính không thể loại trừ. Hai đặc tính này hình thành do thực chất hàng hóa này là kiến thức được thể hiện dưới dạng vật chất hữu hình như bằng sáng chế, nhưng cũng có thể là vô hình dưới dạng ý tưởng.

aug-25-cnc-2-9790

 

Việc xác định giá trị rất phức tạp do lao động kết tinh là lao động trí óc, tồn tại sự bất đối xứng thông tin giữa người mua và người bán; mang tính tích cực, ở đó lợi ích cá nhân ít hơn so với lợi ích xã hội. Hàng hóa khoa học - công nghệ được hình thành và phát triển muộn hơn hàng hóa thông thường nên cần được Nhà nước hỗ trợ để phát triển. Vai trò của Nhà nước thể hiện ở sự điều tiết vĩ mô bằng các công cụ chính sách nhằm phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt trái của thị trường do đặc tính hàng hóa của sản phẩm khoa học và công nghệ.

Theo chuyên gia, cả nước hiện có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó số lượng sàn giao dịch công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, một sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập. Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu...

cong_nghe_KDCG

 

Nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam, chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ như: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, hợp đồng chuyển giao công nghệ… Đây là cơ sở để minh bạch thị trường khoa học và công nghệ, để các chủ thể tham gia (cung - cầu, trung gian) được bảo vệ khi có sự xâm phạm về lợi ích và sự thiếu lành mạnh của thị trường. Bên “cung” dường như yếu thế hơn về vấn đề thủ tục, pháp lý so với bên “cầu” và “trung gian”, khi hiệu lực pháp lý đủ mạnh sẽ giúp các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học yên tâm về sản phẩm của mình và chuyên tâm hơn trong nghiên cứu.

Xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động khoa học và công nghệ: cần có chính sách phát triển nguồn lực khoa học và công nghệ thông qua việc đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là giáo định hướng vào khoa học - công nghệ, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho các tổ chức nghiên cứu, trước mắt là tập trung hỗ trợ cho các trường, viện trọng điểm, nghiên cứu chính sách thu hút trí thức kiều bào về nước làm việc lâu dài hoặc hợp tác ngắn hạn. Nhà nước sẵn sàng đầu tư cho các dự án nghiên cứu và ứng dụng khả thi, hạn chế tiếp cận theo hướng từ dưới lên, tức là xuất phát từ năng lực của nhà nghiên cứu chứ không phải từ mục tiêu cụ thể. Điều này sẽ tránh được những lãng phí như trong thời gian qua, nghiên cứu không gắn với thực tiễn. Đồng thời, hỗ trợ về tài chính, dịch vụ chuyển giao, nhân lực cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ. Khuyến khích nhập khẩu sản phẩm khoa học và công nghệ mà trong nước chưa nghiên cứu, sản xuất được, hạn chế nhập khẩu những sản phẩm trong nước có thể nghiên cứu, sản xuất được với giá hợp lý.

Quỳnh Trang