Cầm đồ F88 huy động 400 tỷ đồng bằng trái phiếu chỉ trong 3 tháng

Thị Huế
Lợi nhuận ít ỏi, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng nhanh, chuỗi cầm đồ F88 vẫn dồn dập phát hành trái phiếu lãi suất cao để huy động vốn.

Mới đây, CTCP Kinh doanh F88 của ông Phùng Anh Tuấn công bố kết quả đợt chào bán 3.000 trái phiếu riêng lẻ trong ngày 8/3/2021, gồm kỳ hạn 18 tháng và một năm với tổng giá trị 300 tỷ đồng.

Cầm đồ F88 huy động 400 tỷ đồng bằng trái phiếu chỉ trong 3 tháng

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, được bảo lãnh thanh toán bởi CTCP Đầu tư F88 - công ty mẹ của F88.

Đối với trái phiếu phát hành kỳ hạn 18 tháng, lãi suất thực tế 12,5%/năm, định kỳ ba tháng trả lãi một lần và ngày đáo hạn dự kiến 8/9/2022. Sau phát hành, F88 thu về 150 tỷ đồng. Trong đó, có 26 nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu, 20% nhà đầu tư là tổ chức trong nước và 80% số trái phiếu còn lại được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước.

Đối với 1.500 trái phiếu kỳ hạn một năm, lãi suất cố định 12%/năm, ngày đáo hạn 8/3/2022. Kết quả, 35,07% trái phiếu được mua bởi nhà đầu tư là tổ chức trong nước và 64,93% còn lại do nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong nước nắm giữ. Tổng số lượng nhà đầu tư tham gia mua là 32.

Như vậy, chỉ trong 1 ngày, F88 huy động 300 tỷ đồng bằng trái phiếu. Công ty cho biết, số tiền huy động được sử dụng cho hoạt động kinh doanh - cho vay cầm cố, mở rộng hệ thống cửa hàng và chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên.

Trước đó, cuối tháng 1/2021, F88 cũng đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm. Lãi suất cố định 12%/năm, nhận lãi định kỳ ba tháng một lần. Có 21 nhà đầu tư trong nước tham gia mua, trong đó có một nhà đầu tư là tổ chức và 20 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.

Như vậy, trong vòng hơn 3 tháng đầu năm 2021, F88 đã huy động 400 tỷ đồng thông qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong khi đó, cả năm 2020, F88 ba lần phát hành thành công trái phiếu với tổng giá trị lên tới 400 tỷ đồng. Có thể thấy, chuỗi cầm đồ F88 ngày càng ‘khát vốn’.

Năm 2020, F88 báo lãi sau thuế đạt 44,8 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2019. Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2020 tại F88 tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2019, nhưng nếu so với mục tiêu 377 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2020 thì F88 mới chỉ hoàn thành được 12% kế hoạch cả năm. Do đó, doanh nghiệp này đã thực sự 'vỡ mộng' về lợi nhuận.

Cầm đồ F88 huy động 400 tỷ đồng bằng trái phiếu chỉ trong 3 tháng

Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tại F88 năm 2020 đã tăng lên 2,31 lần từ mức 1,41 lần năm 2019. Nguyên nhân tăng chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu. Tính đến cuối năm 2020, dư nợ vay trái phiếu tại F88 khoảng 842 tỷ đồng.

Báo cáo trước đó cho thấy, năm 2019dư nợ vay trái phiếu của F88 đạt 143 tỷ đồng, đến từ 2 đợt phát hành gồm đợt phát hành ngày 05/08/2019, giá trị 100 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm và đợt phát hành ngày 26/12/219 có giá trị hơn 43 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm.

Thời gian qua, các doanh nghiệp có xu hướng tăng huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khiến thị trường TPDN có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính khuyến cáo các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân phải cân nhắc về các rủi ro khi đầu tư TPDN, thận trọng đối với việc chào mời và cam kết lãi suất cao. 

Bộ Tài chính cho biết, Bộ thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình thị trường TPDN và khung khổ pháp lý để giúp các nhà đầu tư và các đối tượng tham gia thị trường nắm bắt và tuân thủ quy định của pháp luật, phòng ngừa rủi ro trên thị trường trái phiếu.   

Đại diện Bộ Tài chính từng cho rằng, nếu cứ đẩy lãi suất lên cao để huy động trái phiếu với khối lượng lớn, khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì rủi ro rất lớn cho bản thân doanh nghiệp, cũng như tổ chức tín dụng và nhà đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ.

Hoàng Long