Cụ thể, điều 35 Nghị định số 21/2021 thi hành bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định cho phép cá nhân, tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Như vậy, trước đây chỉ có các tổ chức tín dụng mới được nhận tài sản đảm bảo khoản vay là nhà đất thì nay với quy định này, các cá nhân, tổ chức khác có thể thực hiện.
Mặc dù Nghị định 21/2021 được đánh giá là tạo ra cơ hội và tháo gỡ nút thắt hoạt động tín dụng trong dân sự, song nhiều ý kiến cho rằng, không vì thế mà cá nhân, tổ chức nhận bảo đảm và người có tài sản thế chấp tránh được hết rủi ro trong giao dịch.
Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law firm, vấn đề về thế chấp, quy trình nhận thế chấp, cơ chế về giao dịch bảo đảm, định giá, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi các khoản vay là cả một vấn đề rất phức tạp.
“Với các tổ chức tín dụng thì vấn đề xử lý nợ thu hồi nợ đã có nhiều nghị quyết, còn đối với cá nhân thì việc kiểm soát sẽ thế nào? Cơ chế nào để xác định khâu đầu vào từ việc thẩm định giá cho vay, giải ngân cho đến việc xử lý tài sản nợ. Nếu không có những hướng dẫn chi tiết thực hiện thì sẽ phát sinh những hệ lụy lớn” – luật sư Tú nói.
Từ quy định trên không ít vấn đề được đặt ra, trong trường hợp tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, người đứng tên trên giấy tờ thực hiện thế chấp cho nhiều tổ chức, cá nhân khác thì giải quyết tranh chấp như thế nào? Khi ngân hàng thực hiện nhận thế chấp tài sản của khách hàng phải qua phòng công chứng xác nhận giao dịch, tài sản được đăng ký tại trung tâm đăng ký giao dịch đảm bảo… Vậy khi các tổ chức, cá nhân thực hiện nhận thế chấp tài sản có phải thực hiện các bước này hay không?...
Luật sư Tú cho rằng, cá nhân có thể làm được các bước trên nhưng tính chính xác, khoa học, tuân thủ pháp luật đến đâu là điều quan trong nhất.
Khi thực hiện hợp đồng để đòi nợ, trong đó có quyền đòi nợ là “siết” nhà. Nếu trường hợp người nợ chây ì, không chịu giao nhà, lúc này người cho vay nếu không dùng các biện pháp “xã hội đen” đòi nợ thì phải thực hiện kiện ra tòa. Quy trình đòi nợ qua tòa cũng giống như các ngân hàng hiện nay. Chính vì vậy theo luật sư khi đã cho phép các cá nhân cho vay nhận thế chấp sổ đỏ, sổ hồng thì cần có cơ chế giám sát vô cùng chặt chẽ để đảm bảo không xảy ra những phức tạp cho xã hội như vấn đề tín dụng đen…
Tương tự, Luật sư Đặng Hoài Vũ, Trưởng văn phòng luật sư Đặng Hoài Vũ đặt ra một số vấn đề như khi ngân hàng thực hiện nhận thế chấp tài sản của khách hàng phải qua phòng công chứng xác nhận giao dịch, tài sản được đăng ký tại trung tâm đăng ký giao dịch đảm bảo.
"Vậy khi các tổ chức, cá nhân thực hiện nhận thế chấp tài sản có phải thực hiện các bước này hay không? Trong trường hợp tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, người đứng tên trên giấy tờ thực hiện thế chấp cho nhiều tổ chức, cá nhân khác thì giải quyết tranh chấp như thế nào?..." - Luật sư Vũ băn khoăn.
Phạm Tuấn