Trong văn bản trả lời về công tác hậu kiểm cũng như hoạt động kiểm tra, quản lý kinh doanh xăng dầu mà Báo Giao thông phản ánh, Bộ Công thương thừa nhận, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước thời gian qua diễn biến phức tạp.
Gần đây, nổi lên là vụ việc Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt đường dây sản xuất, điều chế xăng dầu giả, làm hóa đơn giả hợp thức hóa toàn bộ số xăng dầu giả này để đưa ra thị trường tiêu thụ
Công an Đồng Nai khám xét các cây xăng dầu tại TP HCM, Long An liên quan vụ 2,7 triệu lít xăng giả.
Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ nước ngoài về phao số 0 rồi dùng các loại dung môi hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng, đưa về hợp thức hóa để tiêu thụ trên thị trường.
Trước thực tế trên, Bộ này cho biết đang phối hợp với Sở Công thương các tỉnh để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước và đã phát hiện sai phạm.
Cụ thể, đã thu hồi giấy phép xuất nhập khẩu xăng dầu của 2 đơn vị gồm, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty cổ phần thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt. Ngoài ra, đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm.
Bên cạnh đó, từ báo cáo kết quả kiểm tra mặt hàng xăng dầu trong năm 2020 cũng lộ rõ loạt “chiêu bẩn” trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng, khoảng 1.291 vụ việc được xử lý.
Điển hình, tại Hà Nội, ngày 4/6/2020, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra cửa hàng xăng dầu HTX công nghiệp Long Biên – Cở sở 2 thuộc Công ty CP phát triển và xây dựng Thanh Hà (Cụm Công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm), phát hiện 15.500 lít xăng RON95-III không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá 203.360.000 đồng.
Tiếp đến, ngày 31/7/2020, Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra cửa hàng xăng dầu Minh Dũng thuộc Công ty TNHH xăng dầu Minh Dũng (thôn Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã phát hiện Công ty đã có hành vi vi phạm như: Đại lý kinh doanh xăng dầu có hành vi mua, bán xăng dầu với các đối tượng ngoài hệ thống phân phối. Đặc biệt, có hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.
Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, các hành vi vi phạm phổ biến là làm đại lý xăng dầu vượt quá số lượng tổng đại lý hoặc thương nhân phân phố; Cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi mua xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối…
Đáng chú ý, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh xác nhận, Công ty xăng dầu quân đội khu vực 4 (18D đường Cộng Hòa, Phường 4, quận Tân Bình) có hành vi ký hợp đồng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu không đủ điều kiện theo quy định…
Kế hoạch kiểm tra kiểm soát mặt hàng xăng dầu cũng đang được Tổng Cục Quản lý thị trường xây dựng và được Bộ Công thương kỳ vọng sẽ ban hành sớm nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian tới.
Không giảm các điều kiện về kiểm soát chất lượng xăng dầu
Bộ Công thương cho biết, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng kiểm soát chặt chẽ, minh bạch hơn điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, các điều kiện về hệ thống phân phối được quy định cụ thể hơn, không còn khái niệm “đồng sở hữu” chung chung và thay vào đó là quy định về sở hữu cơ sở vật chất và hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu với tỷ lệ sở hữu phải tối thiểu là 35% giá trị tài sản.
Đặc biệt, không giảm các điều kiện về kiểm soát chất lượng xăng dầu (mặc dù Hiệp hội xăng dầu và nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có kiến nghị về việc giảm điều kiện đối với phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu);…
Theo Báo Giao Thông