Hiện nay, khi tốc độ chuyển đổi số của mỗi quốc gia trên thế giới đã trở thành xu hướng sống còn, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng đã nổi lên như một thứ “dịch bệnh” liên tục bào mòn văn hóa, sức sáng tạo nội dung và sức khỏe tinh thần cộng đồng.
Khảo sát của Liên minh Chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua dịch vụ phát nội dung online, mạng xã hội hay tin nhắn trực tuyến. Cụ thể, có tới 41% vi phạm qua nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin; 19% thông qua streaming. Tỷ lệ sử dụng các nền tảng vi phạm bản quyền cũng chiếm tới 61%.
Đặc biệt, Việt Nam cũng như các nước ASEAN đang thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí. Điều này cũng dẫn tới vấn nạn vi phạm bản quyền trong không gian số.
Tại Hội thảo ASEAN về “Chuyển đổi số báo chí, truyền thông - Chuyển đổi số kiến tạo tri thức”, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cho rằng, báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang chịu tác động của sự bùng nổ công nghệ số bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu. Việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững là rất cần thiết. Chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông. Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người tiêu dùng thông tin.
Tại Hội thảo này, các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề ứng phó với vấn nạn vi phạm bản quyền trong không gian số, chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số…
Ông Zul-Fakhri Maidy – đại diện đến từ Brunei cho rằng, không giống tài sản điện tử khác, quyền sử dụng trên truyền thông đang đối diện với nhiều vấn đề thách thức liên quan đến thư điện tử, các thiết kế sáng tạo, nội dung, thông tin được bảo hộ quyền sử dụng.
Với Brunei, chính phủ nước này đã tham gia những hiệp định liên quan bảo hộ thông tin của thế giới như công ước của châu Âu, Australia… với nguyên tắc cơ bản là bảo đảm quyền tác giả, quyền sử dụng thông tin hoặc thông tin đó nằm trong những hợp đồng liên quan đến sử dụng thông tin, sử dụng lao động.
“Quyền sở hữu là điều được nhấn mạnh đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông. Chúng tôi có quy chuẩn về Internet, cung cấp thông tin dịch vụ và chính quyền đã xây dựng chiến lược nhằm hướng đến sự hợp tác giữa các chính quyền giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước, đối thoại liên quan đến chuyển đổi số, các bộ phận liên quan đến quan hệ công chúng để tăng hỗ trợ cho sự chuyển đổi trong các đơn vị báo chí.
Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị chịu trách nhiệm trong chuyển đổi số. Song song đó, chính quyền và văn phòng chính phủ có liên quan cũng sẽ tham gia bảo vệ quyền sở hữu, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong không gia mạng.
Hà Châu