TP.HCM mở cửa chợ truyền thống, ứng dụng mô hình "đặt lịch đi chợ"

Trần Nhật Linh
Bên cạnh việc mở cửa lại chợ truyền thống, TP.HCM cũng thí điểm mô hình "đặt lịch đi chợ" để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19.

Ứng dụng mô hình đặt lịch đi chợ

Tính đến ngày 18/7, TP.HCM có 191/237 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Nhằm “chia lửa” cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang quá tải hiện nay, thành phố sẽ cho khôi phục hoạt động các chợ truyền thống ở những khu vực tương đối an toàn.

Cụ thể, các chợ được khôi phục hoạt động sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch gồm: chợ Bình Thới, chợ Phú Thọ (Quận 11), chợ Nguyễn Tri Phương (Quận 10).

Nhằm gia tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân TP.HCM, trong điều kiện 3 chợ đầu mối, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch, Sở Công thương TP.HCN cho biết việc khắc phục, đưa hệ thống chợ truyền thống nhanh chóng hoạt động trở lại là hết sức cần thiết và cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Sở Công thương cho biết sẽ chỉ đạo, quán triệt các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế; Kiểm soát số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR đến và đi bằng ứng dụng “Vietnam Health Declaration” và các ứng dụng khác phù hợp theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Bên cạnh đó, ban quản lý các chợ cũng áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ".

Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở TT&TT triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Cụ thể, đã triển khai thí điểm mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp, Quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” (thí điểm tại chợ Bình Thới, Quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả tại các chợ thực hiện thí điểm, sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn.

top-cho-dau-moi-lon-va-re-nhat-hcm-3
TP.HCM sẽ mở cửa lại một số chợ truyền thống.

Ngoài ra, đối với một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, còn nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hệ thống chợ truyền thống, Sở cũng đã đề xuất một số mô hình như lập các điểm bán quy mô nhỏ (2 đến 10 thương nhân), ưu tiên kinh doanh các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá,... trong sân chợ hoặc các điểm bán nhỏ phù hợp trong các khu dân cư.

Mở cửa chợ truyền thống nhưng khó về nguồn hàng

Theo Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương, thành phố đã mở lại các chợ truyền thống nhưng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng nguồn hàng, dẫn tới giá cả tăng. Bởi ở những vùng sản xuất lớn, người dân không được ra đồng thu hoạch vì yêu cầu giãn cách, nên cần phải bảo vệ vùng sản xuất, vùng nguyên liệu.

Trong khi đó, ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng, nếu các ngành không có sự phối hợp để có phương thức điều tiết, vận chuyển, phân phối thì dù có mở lại chợ truyền thống mà hàng hóa không có, tình trạng tăng giá vẫn có thể xảy ra.

Ông Ba cũng kiến nghị với Bộ Công thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh các trường hợp nâng giá bất hợp lý. 

Như trường hợp hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh, ngay sau khi có thông tin tăng giá bất hợp lý, quản lý thị trường đã làm việc với siêu thị này. Đến nay đã kiểm tra 232/561 cửa hàng. Ông Ba nêu thực tế kiểm tra cho thấy giá cả ở các siêu thị này "cũng không phải tăng quá cao".

Nhật Linh

Nhật Linh