Token hóa tài sản: Thực tiễn đi trước, pháp lý theo sau

Trần Nhật Linh
Chuyên gia cho rằng pháp lý luôn có độ trễ nhất định so với thực tế, vì vậy cần các đơn vị tiên phong thực hiện mô hình token hóa tài sản.

Mặc dù phát triển nhanh trong thời gian gần đây, nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có một quy định nào rõ ràng về Blockchain hay crypto. Đây chính là rào cản lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời cũng khiến người tham gia lo ngại về mặt “pháp lý”. 

Nhìn lại thời điểm Uber, Grab,… mới vào Việt Nam, mặc dù hoạt động mạnh mẽ nhưng cơ quan chức năng vẫn thể hiện sự lúng túng trong việc quản lý. Phải mất một thời gian, các quy định mới dần được ban hành cho hợp với thực tế, và các nền tảng công nghệ này trở thành mắt xích quan trọng của đời sống xã hội.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến: "Blockchain Talk số 2" với chủ đề “Hướng đi mới dành cho doanh nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định rằng, pháp lý luôn đi sau các hoạt động thực tế diễn ra, vì phải có mô hình thực tế thì pháp lý mới được đưa ra để quản lý.

Ngày xưa thương mại điện tử mới ra đời cũng chẳng có nghị định, thông tư nào quản lý. Nhưng bây giờ muốn mở sàn thương mại điện tử thì chúng ta có thể lên website của Bộ Công Thương đăng ký. Như vậy, phải có từng bước để Chính phủ đưa ra thông tư, quy định điều tiết hoạt động”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, Nhà nước sắp tới cũng sẽ cần một số mô hình Blockchain, Fintech làm thí điểm. Doanh nghiệp càng có nhiều sản phẩm, hoạt động rõ ràng, Nhà nước càng có căn cứ đó để thực hiện và ban hành quy định.

"Còn nếu bây giờ chúng ta cứ nói rằng Việt Nam chưa có luật, chưa có thông lệ thì không lẽ mọi người không làm gì hết? Chúng ta phải làm để Nhà nước nhìn thấy công nghệ trên thế giới đã về Việt Nam. Làm không vi phạm điều pháp luật cấm, không lừa đảo, mang lại lợi ích cho khách hàng, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người khác thì chúng ta cứ làm”, ông Dũng nhấn mạnh.

du-anbat-dong-san
Token hóa bất động sản hiện đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Áp dụng mô hình mới trong kinh doanh bất động sản - lĩnh vực thường gặp rủi ro về pháp lý, ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Moonka nhận định, khi thực hiện các dự án token hóa tài sản, yếu tố “ngoài vòng pháp luật” là vấn đề thường được nhắc tới. Tuy nhiên, các giao dịch đều được thể hiện minh bạch, thông tin rõ ràng trên Blockchain mà người dùng có thể trực tiếp nhìn thấy, kiểm tra.

Các nền tảng Blockchain như Moonka sẽ cung cấp những token cho chủ đầu tư để họ phân phối đến người mua chung. Đồng thời, đội ngũ của Moonka cũng lựa chọn, thẩm tra, đánh giá các dự án đầy đủ tính pháp lý, có khả năng sinh lời cao để đáp ứng kỳ vọng của người mua.

Những tài sản, tài liệu, giấy tờ luôn được công khai, chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời những câu hỏi, thắc mắc về các đơn vị, cá nhân bán dự án qua Moonka. Tất nhiên chúng tôi chỉ làm những dự án được thẩm tra đầy đủ pháp lý, nằm trong khuôn khổ pháp luật, còn những dự án nằm ngoài pháp luật thì mình không làm”, ông Phong khẳng định.

Theo ông Phong, ngoài thị trường vẫn thường gặp những trường hợp khách hàng mua phải các dự án bất động sản không rõ ràng về pháp lý, vì vậy quan trọng là doanh nghiệp nào "làm thật", không lừa đảo. Để đảm bảo độ an toàn, Moonka xây dựng một tổ chức vận hành hàng ngày để kiểm tra, báo cáo về những dự án bất động sản được token hóa.

Cũng theo ông Phong, chủ đầu tư khi đưa dự án lên Moonka để bán, thay vì phải mất phí trung gian thì bán trực tiếp cho khách hàng, từ đó và có thể giảm giá sản phẩm ít nhất 5%.

"Tính thanh khoản của bất động sản rất kém, nhưng với P2P thì hiện tại có thể giải quyết được bài toán này. Bình thường vẫn có một nhóm nhỏ 5 người, 10 người cùng nhau hùn tiền mua một bất động sản, chúng tôi đưa đến giải pháp cho các nhóm này với thông tin công khai, minh bạch trên nền tảng Blockchain", ông Phong nói.

Tuy nhiên để có thể vận hành tốt các mô hình ứng dụng Blockchain cần có lượng nhân sự chất lượng, được đào tạo bài bản. Nhưng một thực tế là nhân sự ngành này hiện vẫn chưa được quy mô và chuẩn hóa, mặc dù nhu cầu rất cao.

"Lâu nay cũng có một số trường đại học đào tạo nhân sự Blockchain, nhưng đa số họ tổ chức cho các công ty săn đầu người, đào tạo xong họ sẽ “bắt người” luôn chứ không phải để cung cấp cho thị trường. Chúng tôi dự kiến sẽ mời gọi các công ty chuyên về đào tạo, các trường đại học xây dựng những chương trình phát triển nhân sự trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM cho biết.

Nhật Linh

Nhật Linh