Thuận Kiều Plaza: Vì sao từ dự án đẳng cấp cho người Hồng Kông lại “bất động” suốt 22 năm?

Trần Nhật Linh
Gần 30 năm qua, Thuận Kiều Plaza thường gắn với lời đồn thổi là toà nhà “3 cây nhang” giữa lòng TP.HCM, cùng với đó là những câu chuyện ma mị.

Thuận Kiều Plaza bất động hơn 22 năm

Thuận Kiều Plaza - Dự án đẳng cấp cho người Hồng Kông

Thuận Kiều Plaza được khởi công năm 1994, do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) hợp tác cùng nhà đầu tư Kings Harmony Intl Ltd (Hồng Kông) xây dựng. Công trình có diện tích gần 1ha, tọa lạc ở mặt tiền đường Hồng Bàng. Kinh phí đầu tư xây dựng dự án là 55 triệu USD, trong đó, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV góp 25% vốn.

Với vị trí được coi là đắc địa khi nằm ở trung tâm khu Chợ Lớn, khu cao ốc Thuận Kiều Plaza chiếm lĩnh vị trí đầu bảng “đất vàng”, có giá trị vượt trội só với toàn bộ dự án lớn trong các vùng lân cận ở thời điểm đó.

Năm 1998, công trình hoàn thành, thế nhưng cũng từ lúc đó, Thuận Kiều Plaza gần như nằm bất động luôn đến nay.

Dự án ban đầu được xây dựng nhằm mục tiêu đón dòng người di cư từ Hồng Kông trước sự kiện Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997. Tuy nhiên sau đó, Nhà nước Trung Quốc có chính sách cởi mở đối với đặc khu Hồng Kông nên không có làn sóng di cư này.

Vị trí “vàng” ở trung tâm Chợ Lớn

Về mặt giao thông, Thuận Kiều Plaza nằm theo đường Hồng Bàng với chiều dài hơn 300m.

thuan-kieu-plazaanh2
Dự án Thuận Kiều Plaza không có người ở suốt 22 năm nay.

Đường Hồng Bàng cùng đường 3 tháng 2 vốn được xem là 2 đường trục chính xuyên tâm thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với Đại lộ Đông - Tây từ 2 hướng, khu vực này lượng người và xe tấp nập suốt cả ngày lẫn đêm không ngớt.

Kề bên Thuận Kiều Plaza là đường Châu Văn Liêm, đây là con đường ngắn nhưng giá trị bật nhất vùng Chợ Lớn, tương tự đại lộ Nguyễn Huệ ở Quận 1. Dọc theo Thuận Kiều Plaza là các đường Tân Hưng, Thuận Kiều, Đỗ Ngọc Thạnh cũng đều sầm suất người qua lại.

Về mặt giá trị thương mại, khó có vị trí nào đối chọi nổi với Thuận Kiều Plaza. Trong bán kính 1km, xung quanh khu cao ốc Thuận Kiều Plaza gom gần đủ các trung tâm thương mại đầu mối của vùng Chợ Lớn, bán sỉ hàng hóa đi khắp cả nước như: Chợ Kim Biên, chợ vải Đồng Khánh, chợ Đông Nam dược, chợ phụ tùng máy và đồ ngũ kim, chợ phụ tùng xe Tân Thành, chợ bao bì góc Phú Hữu - Hải Thượng Lãn Ông, chợ thuốc lá Học Lạc, chợ kim - chỉ - nút Đại Quang Minh, chợ sắt và phụ tùng công nghiệp Hà Tôn Quyền - Tạ Uyên,…

Vị trí đắc địa, cùng với chi phí đầu tư dồi dào đã hình thành một cao ốc Thuận Kiều Plaza sừng sững gồm 3 khối nhà cao 33 tầng. Trong đó, 648 căn hộ cao cấp, 20.000m2 dùng cho khu thương mại, 10.000m2 dùng làm nhà xe, 10.000m2 khác để sinh hoạt giải trí, câu lạc bộ luyện tập thể dục thể thao.

Thời điểm khánh thành vào năm 1998, Thuận Kiều Plaza đã tạo ra một cơn sốt thật sự với lũ lượt khách hàng đến tham quan căn hộ, tranh chỗ thuê mặt bằng kinh doanh thương mại.

Giá bán căn hộ Thuận Kiều Plaza

Thời điểm hoàng kim

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, sau khi tòa nhà chính thức đi vào hoạt động, năm 1999 hoạt động môi giới căn hộ, cho thuê mặt bằng thương mại tại đây diễn ra vô cùng nhộn nhịp.

Khu thương mại có diện tích xây dựng khoảng 20.000 m2 của Thuận Kiều Plaza từng được biết đến với giá thuê mặt bằng kinh doanh vào hàng cao nhất TP.HCM. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của cả nước năm 1999 là 742.000 đồng/người, giá thuê một vị trí trong trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza là khoảng 160.000 - 200.000 đồng/tháng. Chỉ 2 năm sau, tỷ lệ lấp đầy của trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza lên đế 95%.

Với sự sầm uất của khu trung tâm thương mại, các căn hộ tại Thuận Kiều Plaza được kỳ vọng là sẽ nhanh chóng được bán ra. Nhiều cơ sở môi giới bất động sản mọc lên xung quanh tòa nhà này. Điều kỳ lạ là dù lượng khách xem căn hộ vô cùng đông đúc, nhưng sau đó hầu hết đều từ chối mua.

Đến năm 2006 thì hầu như không còn người đến xem căn hộ nữa. Chủ các căn hộ tại Thuận Kiều Plaza sau đó cũng cho thuê hoặc bỏ không.

thuan-kieu-plaza2
Trừ khu trung tâm thương mại, các căn hộ phía trên hầu như không có người ở.

Được biết, tại thời điểm mới hoàn thành, mức giá mỗi căn hộ là 1 - 3 tỷ đồng (tương đương 100 lượng vàng thời điểm đó), so với thu nhập của phần đông người dân là quá cao. Trong khi đó, người mua chỉ được quyền sử dụng trong 50 năm.

Thời điểm những năm 1998, với 100 lượng vàng, người dân đã có thể dễ dàng mua một căn nhà phố trong hẻm rộng, có chủ quyền đầy đủ và lâu dài. Đây có thể là một trong những lý do khiến Thuận Kiều Plaza trở nên ế ẩm.

Giá căn hộ Thuận Kiều Plaza hiện nay

Hiện nay, giá rao bán căn hộ tại Thuận Kiều Plaza dao động 2 - 2,5 tỷ đồng/căn. Mức giá này được đánh giá quá cao so với thiết kế vốn có. Ở thời điểm hiện tại, dự án đang dần lỗi thời, các căn hộ có diện tích nhỏ, trần thấp, phong thủy không tốt,… Trong khi đó, với mức giá này, khách hàng tại TP.HCM vẫn còn nhiều sự lựa chọn ở các dự án khác với nhiều tiện ích hơn.

Một số ý kiến cho rằng, nếu chủ đầu tư chấp nhận hạ giá căn hộ tại Thuận Kiều Plaza xuống 700 triệu đồng - 1 tỷ đồng/căn có thể thu hút được người dân về đây sinh sống.

Tại sao Thuận Kiều Plaza không có người ở?

Theo thông tin từ truyền thông, một số chủ nhà tại đây cho biết các căn hộ đang dần xuống cấp. Hệ thống thoát nước, rác và điện đều có vấn đề. Với căn hộ 100m2 có 2 phòng ngủ, giá cho thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng, khá rẻ so với mặt bằng chung.

Chủ nhà cho biết giá rẻ vì khó tìm được người thuê, đặc biệt những tin đồn Thuận Kiều Plaza có ma, Thuận Kiều Plaza bị ếm bùa suốt thời gian dài càng khiến khách e dè hơn. Trong khi đó, một cư dân sống tại Thuận Kiều Plaza kể, một vụ cháy lớn xảy ra tại nhà hàng ở khu trung tâm thương mại vào năm 2009. Kể từ đó, lượng khách đến với trung tâm ngày càng giảm, sau đó thì vắng dần.

Năm 2015, truyền thông dẫn lời ông Lưu Trọng Hải - Nguyên Trưởng phòng quản lý kiến trúc, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, theo thiết kế, các căn hộ tại Thuận Kiều Plaza có diện tích nhỏ và chật chội, khoảng cách giữa các tầng chỉ hơn 2,7m. Khoảng 5 - 6 năm kể từ khi đưa vào hoạt động, dự án vẫn không bán được căn hộ nào, chỉ có phần khu trung tâm thương mại và giải trí là hoạt đông.

Ngay từ khi dự án được triển khai, nhiều ý kiến của thành phố đã đề nghị chủ đầu tư phải làm nhà rộng hơn, thoáng hơn cho phù hợp với xứ nhiệt đới, nhưng chủ đầu tư không chấp nhận. Trong khi đó, do chưa có một công trình hiện đại nào trên địa bàn, lãnh đạo Quận 5 thời bấy giờ rất muốn giữ chân chủ đầu tư, nên giữ quan điểm là chuyện thiết kế có phù hợp với thị trường hay không, căn hộ có bán được hay không phải do chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm. Vì vậy, thành phố chấp thuận.

Ngoài ra, dự án Thuận Kiều Plaza được xây dựng nhằm hướng tới khách hàng mục tiêu là người dân Hồng Kông. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông đã không di cư ồ ạt như dự đoán, vì vậy mục tiêu chiến lược của nhà đầu tư Thuận Kiều Plaza hoàn toàn phá sản. Có thể chính thất bại bẽ bàng này khiến nhà đầu tư hoang mang, mất phương hướng rồi chán nản, dẫn tới buông xuôi…

Chủ đầu tư Thuận Kiều Plaza hiện nay

Sau 20 năm, hợp đồng giữa 2 chủ đầu tư của dự án Thuận Kiều Plaza là Công ty Sài Gòn 5 và Kings Harmony Intl Ltd (Hồng Kông) đã hết hiệu lực vào năm 2014. Gần hết thời hạn, liên doanh này đã bán lại dự án cho Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông (nay là Tập đoàn An Đông) thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tòa nhà đổi tên từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Complex ( nay là The Garden Residence). Một số nguồn tin cho biết, giá chuyển nhượng dự án là khoảng 600 tỷ đồng.

thuan-kieu-plaza1
Bên trong căn hộ Thuận Kiều Plaza.

Tập đoàn Đầu tư An Đông được thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Công ty này ngoài sở hữu The Garden Residence còn là chủ hàng loạt dự án khác tại Quận 5.

Tính tới 31/12/2020, Tập đoàn An Đông có tổng tài sản là 45.257 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản ngắn hạn (34.372 tỷ đồng). Doanh thu thuần đạt 423 tỷ đồng, giảm 44% năm trước; lợi nhuận thuần 56,7 tỷ đồng, tăng 51% năm trước.

Trong khi đó, Tập đoàn “mẹ” của An Đông là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ cập nhật gần nhất là 13.000 tỷ đồng. Trong lĩnh vực bất động sản, Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị, thương mại, văn phòng cho thuê loại A, cao ốc căn hộ dịch vụ, khu dân cư... Tập đoàn này cũng có hàng loạt những dự án thuộc vị trí đắc địa tại TP.HCM.

Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát cũng đầu tư và phát triển thêm nhiều lĩnh vực khác như hạ tầng giao thông, dịch vụ tài chính, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, du lịch,…

Sau khi về tay chủ mới, tòa nhà Thuận Kiều Plaza đã được cải tạo lại, đổi màu sơn mới từ hồng sang xanh. Khối trung tâm thương mại được phát triển thành 2 khu vực chuyên biệt, trong đó The Garden Art là không gian tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng, sáng tạo dành cho giới trẻ; The Garden Mall là trung tâm giải trí, ẩm thực. Chủ ý của nhà đầu tư muốn biến nơi đây thành điểm đến của cộng đồng với dịch vụ đa dạng, đặc biệt là giải trí, văn hóa.

Báo cáo của JLL vào năm 2017 ghi nhận giá thuê mặt bằng tại The Garden Mall tăng ấn tượng sau khi được sửa chữa, cải tạo. Giá thuê thấp nhất 20 USD/m2/tháng, cao nhất 50 - 60 USD/m2/tháng, gấp đôi so với cuối năm 2015.

Thế nhưng, dù khu thương mại đã có những chuyển động mới tích cực thì các tầng căn hộ tại đây vẫn không có sự thay đổi nào. Hầu hết, các căn hộ vẫn được bỏ trống, chủ đầu tư cũng không có động thái rao bán.

Trở thành bệnh viện dã chiến số 5

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM đang cải tạo một phần tòa nhà Thuận Kiều Plaza (Phường 12, Quận 5) làm bệnh viện dã chiến. Bệnh viện sẽ có quy mô 1.000 giường bệnh, đặt tại khu vực trung tâm thương mại ở lầu 1 và lầu 2 tòa nhà. Dự kiến 1 tuần nữa, bệnh viện dã chiến sẽ chính thức đi vào hoạt động tại tòa nhà Thuận Kiều Plaza.

thuan-kieu-plaza-anh1
Khu trung tâm thương mại có thời điểm cũng vắng như chùa Bà Đanh, không còn sầm uất.

Công ty CP Đầu tư An Đông là đơn vị tài trợ mặt bằng và Công ty Cổ Phần Bảo Trợ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là đơn vị tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng, cơ sở vật chất và trang thiết bị vật tư y tế. 

Từ ngày 8/7, các bên đã bắt tay vào việc cải tạo một phần trung tâm thương mại Thuận Kiều Plaza thành khu bệnh viện dã chiến thứ 5 của TP.HCM. Hiện hàng trăm công nhân đang miệt mài và nỗ lực ngày đêm để nhanh chóng hoàn thành việc xây dựng bệnh viện dã chiến, góp tay vào công cuộc chống dịch chung của thành phố. Bệnh viện dự kiến hoàn thành trong 10 ngày với sức chứa khoảng 1.000 giường bệnh. Sau khi hoàn thành, các lực lượng liên quan sẽ tiến hành tập kết vật tư y tế và thực hiện công tác bàn giao cho Sở Y tế TP.HCM.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chuẩn bị phương án trưng dụng khu căn hộ mẫu của toà nhà làm nơi cách ly cho gia đình F1.

Nhật Linh

Nhật Linh