Chia sẻ về câu chuyện này, ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam đã có những quan điểm liên quan.
Theo vị chuyên gia này, trong quý 1/2021, giá đất tăng nhanh ở một số khu vực nhất định đến từ thông tin về lộ trình phát triển hạ tầng, quy hoạch, sự tăng trưởng về FDI, tốc độ đô thị hóa và tâm lý đầu tư của người Việt trong giai đoạn Covid.
Trong năm 2021, chính phủ tiến hành đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khiến một "làn sóng" dự án hạ tầng mới được phê duyệt cùng với hàng loạt dự án cũ tái khởi động sau giai đoạn "ngủ đông". Các dự án được triển khai và hoàn thiện sẽ làm tăng tính kết nối giữa các khu vực. Qua đó biến nhiều nơi trước đây là ngoại ô, ít thu hút người dân về sinh sống thì nay trở thành địa điểm thu hút được nhu cầu thực cả về BĐS nhà ở lẫn thương mại.
Thông tin về quy hoạch và chủ trương phát triển một số khu vực nhất định cũng là yếu tố trực tiếp khiến giá đất các nơi này nhảy vọt trong thời gian qua. Thực tế, hạ tầng tại nhiều tỉnh thành Việt Nam chưa hoàn thiện kéo theo quỹ đất phù hợp cho để phát triển thành các dự án BĐS còn tương đối hạn chế. Mặt bằng chung giá trị BĐS ở Việt Nam đang còn thấp so với các nước trong khu vực nên có tiềm năng phát triển rất lớn. Do đó, khi có thông tin về hạ tầng, quy hoạch ở một số nơi nhất định, các khu vực này dễ dàng thu hút được đầu tư dẫn đến việc thị trường trở nên nhộn nhịp.
Bên cạnh đó, nguồn vốn nội, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào thị trường BĐS Việt Nam trong quý 1/2021 đạt 597,7 triệu USD, tăng đến 47,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm nay, BĐS công nghiệp được xem là điểm sáng, tác động bởi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam và tình hình trong khu vực. Việc các khu công nghiệp mới được hình thành và mở rộng cũng kéo theo nhu cầu về các phân khúc BĐS khác như nhà ở, thương mại, văn phòng tăng lên. Qua đó, thị trường ghi nhận giá đất ở nhiều khu vực tăng đột biến trong năm nay.
Theo ông Jackson, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo nhu cầu về nhà ở tại các thành phố tăng theo. Các đô thị lớn có xu hướng giãn dân ra ngoại ô khiến các đô thị trong một khu vực nhất định có sự dịch chuyển lại gần nhau hơn. Từ đó, thị trường BĐS ở một số "vùng trũng" gần các đô thị, cũng bắt đầu ghi nhận sự tăng trưởng trong thời gian qua.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 khiến người dân có xu hướng tích lũy tài sản mà việc đầu tư vào BĐS được xem là "hầm trú ẩn" an toàn bởi kênh đầu tư này có giá trị tăng trưởng tốt trong dài hạn. Theo tâm lý chung của đại đa số người Việt, BĐS được ưa chuộng hơn các loại hình đầu tư khác như chứng khoán và ngoại tệ bởi đầu tư vào nhà đất không yêu cầu cao về phân tích, phán đoán về thị trường như các kênh đầu tư còn lại. Lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm. Do đó, thị trường BĐS vừa đón nhận thêm lượng vốn đầu tư từ dòng tiền nhàn rỗi trong người dân dẫn đến sức mua cao. Qua đó đẩy mức giá BĐS tăng trong thời gian qua.
"Tuy nhiên, việc đầu tư vào đất nền không mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Do vậy, các nhà đầu tư cần nhiều thời gian để phát triển đất thành dự án BĐS hoặc chờ giá trị của thửa đất gia tăng. Từ đó, thị trường trong giai đoạn gần đây có dấu hiệu chững lại", vị chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc chính quyền nhiều địa phương tăng cường quản lý trong thời gian qua cũng khiến thị trường có dấu hiệu được điều tiết. So với các thời điểm sốt đất trước, nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn khi quyết định "xuống tiền".
Thêm nữa, trong tương lai, hạ tầng phát triển sẽ kéo theo sự đa dạng về nguồn cung quỹ đất để phát triển thành dự án BĐS. Nhìn chung, thị trường BĐS đang tăng trưởng ở mức ổn định, phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trước tình trạng sốt đất tại nhiều địa phương trên cả nước, Hội môi giới bất động sản Việt Nam có một số kiến nghị như: Chính quyền các địa phương phải cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo.
Quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn. Cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
Cùng với đó, Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch,sản phẩm bất động sản người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới BĐS được chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Cuối cùng là tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh phê duyệt phát triển dự án
tạo nguồn cung cho thị trường.
Xem thêm: Hà Nội: Sau sốt đất, nhà đầu tư ráo riết tìm cách “tháo chạy”, thoát hàng