Phong Nha Kẻ Bàng (kỳ 3): Chủ homestay đổ nợ vì Covid-19

Trần Nhật Linh
Những tháng hè là giai đoạn cao điểm du lịch tại Phong Nha Kẻ Bàng, nhưng vì Covid-19, cơ sở lưu trú đặc biệt là homestay rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Lao đao vì không có khách

Nhiều năm qua, thị trấn Phong Nha là điểm nóng phát triển loại hình du lịch homestay khi lượng khách đến Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ngày càng tăng mạnh. Nhiều người vì không muốn bị bỏ lỡ cơ hội mà quyết định vay ngân hàng, bán hết đất đai chuyển lên thị trấn Phong Nha đầu tư, xây dựng homestay với mong muốn làm giàu nhanh chóng.

Kỳ 1: Phong Nha Kẻ Bàng: Khách giảm 50%, loay hoay trụ qua mùa dịch

Kỳ 2: Phong Nha Kẻ Bàng: Cú sốc của người lái thuyền, nỗi buồn làng Na

Kỳ 3: Phong Nha Kẻ Bàng: Chủ homestay đổ nợ vì Covid-19

Kỳ 4: Phong Nha Kẻ Bàng: Dịch bệnh là cơ hội "đại tu" chất lượng

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu kết thúc, ngành du lịch Quảng Bình bị “đóng băng” không còn lượng khách ổn định như trước. Hệ quả dẫn đến các homestay tại thị trấn Phong Nha rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm, doanh thu tuột dốc, phải lấy tiền túi để bù lỗ qua mùa dịch.

Bắt đầu kinh doanh loại hình homestay cách đây 4 năm, anh Dương Võ Linh (quản lý Thảo Nguyên Homestay, 26 tuổi, ngụ thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) cho biết, vào những năm không có dịch, thời điểm hiện tại chính là cao điểm khách du lịch đến tham quan Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng. Cơ sở của anh lúc nào cũng trong tình trạng “cháy phòng”.

Từ tháng 2/2020, dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, ngành du lịch cả nước nói chung và Quảng Bình nói riêng rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Các tour tham quan động Phong Nha, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng… bị huỷ bỏ đồng loạt. Tất cả doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú ở thị trấn Phong Nha rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Theo anh Linh, thị trấn Phong Nha vốn đã có nhiều cơ sở lưu trú, trong đó nhiều nhất là loại hình homestay, khi dịch xuất hiện, khách du lịch ít đi khiến các hometsay rơi vào tình trạng “đói” khách. Từ giữa năm 2020 đến nay, homestay của anh Linh mỗi ngày chỉ có 1 - 2 khách/phòng có khách, có thời điểm cả tháng không có vị khách nào.

homstay 1
Các homestay giai đoạn này tại Phong Nha Kẻ Bàng đều trong tình phải đóng cửa vì không có khách.

Đỉnh điểm của khủng hoảng là khi TP Đồng Hới xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, thị trấn Phong Nha phải giãn cách xã hội từ ngày 22/7. Các điểm du lịch đóng cửa nên khách du lịch không đến đây để nghỉ ngơi nữa. Điều này cũng khiến những cơ sở lưu trú như tôi gặp không ít khó khăn”, anh Linh cho biết.

Sau khi dịch lắng xuống vào cuối tháng 4, hoạt động kinh doanh của các homestay ở thị trấn Phong Nha có khởi sắc, nhưng hiệu suất đặt phòng không như những năm trước vì dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại và các đường bay quốc tế chưa được mở lại.

"Cao điểm của du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng thường rơi vào những tháng hè. Nhưng năm nay lượng khách đến Phong Nha Kẻ Bàng không cao, hiệu suất đặt phòng chỉ đạt 30 – 50%. Tôi ước tính doanh thu của những tháng hè năm nay chỉ đạt 30% so với năm ngoái”, anh Linh cho biết.

Dịp nghỉ lễ 30/4, homestay của gia đình anh Linh chỉ đón khách du lịch nội địa lưu trú ngắn ngày, khách du lịch nước ngoài cũng chỉ lác đác vài ba người. “Chúng tôi may mắn khi chỉ cần thuê một vài nhân viên lau dọn phòng ốc, vệ sinh nhà cửa. Phần lớn gia đình tôi đều có thanh viên tham gia việc kinh doanh, nên chi phí hoạt động cũng được giảm bớt chút ít”, anh Linh tiết lộ.

Theo anh Linh, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện tại, mỗi tháng anh vẫn phải trả hơn 10 triệu đồng cho các chi phí như nhân công, điện, nước… Ngoài ra, với số tiền vay để làm homestay lên đến hơn 1 tỷ đồng, lãi ngân hàng mỗi tháng là một vấn đề đau đầu đối với gia đình anh Linh.

Anh Linh chia sẻ, hầu hết những người khi đầu tư vào hometsay luôn kì vọng hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ tốt. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh khó khăn như hiện nay, để nghĩ tới việc thu hồi vốn trả nợ cũng là chuyện bất khả thi đối với chủ các homestay.

Cũng như gia đình anh Linh, nhiều chủ đầu tư vào homestay đang dùng nguồn vốn vay của ngân hàng, có người vay lên đến vài tỷ đồng. Khi homestay không có khách, doanh thu không đủ để bù chi phí hoạt động, nhưng lãi vay ngân hàng vẫn cứ “báo” đều từng tháng.

homestay phong nha ke bang
Cảnh hoang tàn chưa từng thấy ở nhiều địa điểm dịch vụ ăn theo Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng.

Vừa khai trương đón khách đến Phong Nha Kẻ Bàng đã gặp dịch Covid-19

Homestay tại thị trấn Phong Nha chỉ bắt đầu “ấm” lên từ năm 2017, khi đó chính quyền địa phương đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân xây dựng các phòng ốc, nhà nghỉ để kinh doanh. Thậm chí, UBND huyện Bố Trạch hỗ trợ 15 triệu đồng cho mỗi hộ dân kinh doanh loại hình du lịch homestay.

Đến năm 2019, phong trào xây dựng homestay mới thực sự nóng lên. Nhiều chuyên gia cảnh báo việc xây dựng ồ ạt homestay sẽ khiến cung vượt cầu, dẫn đến tình trạng ế ẩm và thua lỗ. Nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người vẫn vay tiền xây homestay bất chất cảnh báo, để đến hiện tại phải “sống dở chết dở” vì đại dịch Covid-19.

Xây dựng homestay từ cuối năm 2019, đến giữa năm 2020 mới hoàn thành, chị Trần Thị Nga (chủ Green Homestay, 35 tuổi, ngụ thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) cho biết: “Chúng tôi hi vọng khi hoàn thành, việc kinh doanh sẽ thuận lợi, nhưng đâu ai ngờ xây dựng mới được vài tháng thì dịch Covid-19 xuất hiện, tôi cũng phải đánh liều xây cho xong vì nghĩ sẽ sớm dập được dịch”.

Nhưng chị Nga không ngờ dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm, khiến cho homestay của chị vừa khai trương được vài ngày lại phải đóng cửa để giãn cách xã hội. Doanh thu chưa có nhưng tiền lãi ngân hàng thì luôn luôn hiện hữu. Mỗi ngày trôi qua, con số về ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tăng lên khiến chị đứng ngồi không yên.

Tôi vay ngân hàng 3 tỷ đồng để xây homestay, cứ hi vọng trong vài năm sẽ trả hết cả gốc lẫn lãi. Bây giờ tôi phải đi vay người thân để trả tiền lãi. Mỗi tháng lên đến hơn 20 triệu đồng tiền lãi, còn tiền gốc vay ngân hàng không biết đến khi nào mới có thể trả được”, chị Nga tâm sự.

Không có khách du lịch tới lưu trú, chị Nga mở thêm dịch vụ bán cà phê, nước giải khát trong khuôn viên để phục vụ người dân địa phương và khách nội tỉnh, nhưng do dịch bệnh nên không có bao nhiêu khách. Để nuôi 3 đứa con nhỏ và kiếm tiền trả lãi, chồng chị Nga tạm gác kinh doanh homestay để chuyển sang làm nghề sửa điện lạnh.

homestay phong nha ke bang 1
Hy vọng lớn nhất của chủ các cơ sở lưu trú là dịch Covid-19 sớm được khống chế để đời sống sinh hoạt quay lại bình thường.

Vừa xây xong chưa kịp khai trương thì gặp trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020. Chưa có doanh thu mà lúc đó đã có thiệt hại rồi, không biết phải diễn tả thế nào nữa. Đến lúc khai trương cũng không có khách vì dịch, khai trương chẳng qua chỉ để ngày hên mà thôi”, chị Nga bộc bạch.

Để có thể tồn tại qua dịch Covid-19, không ít chủ homestay chuyển sang kinh doanh nhiều mặt hàng nhằm có thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Chị Nguyễn Thị Ngà (31 tuổi, ngụ thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch) là một trong những trường hợp như vậy.

Chị Ngà cho biết, homestay của chị được đưa vào hoạt động từ năm 2017, khi chưa có dịch mỗi tháng thu khoảng 15 – 20 triệu đồng. Từ giữa năm 2020 đến nay, homestay của chị không có đến một khách du lịch nào.

Bây giờ ai cũng chung hoàn cảnh của tôi, khách du lịch thì không có mà chi phí hoạt động cứ chồng chất. Hơn 1 năm nay homestay của tôi chỉ lác đác vài vị khách vào dịch 30/4, sau đợt này thì không có ai tới nữa”, chị Ngà chia sẻ.

Không có thu nhập, gia đình chị Ngà nhập máy điện lạnh về để kinh doanh, kiếm sống qua mùa dịch. Ngoài ra, chị Ngà cũng tự mở một tiệm bánh kem cách đây 3 tháng, nhưng vì nhu cầu của người dân địa phương ít nên việc kinh doanh cũng không quá lạc quan.

"Hiện tại, chúng tôi đang cố gắng hết sức để tồn tại và vượt qua cơn đại dịch lần này. Tôi mong muốn chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh du lịch như chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng tự vượt qua khó khăn vì đây là tình trạng chung trên cả nước”, chị Ngà chia sẻ.

Cao Nguyên

Cao Nguyên