Làm thế nào để đưa ý tưởng sáng tạo ra thực chiến?

Trần Nhật Linh
Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo vừa khởi động chuỗi sự kiện tập huấn nhằm hưởng ứng Ngày hội khởi nghiệp - Techfest 2021.

Chương trình tập huấn 1 với chủ đề: "Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo và thực chiến" do diễn giả Trần Anh Tuấn, Cựu Giám đốc Vùng TP.HCM & Giám đốc đào tạo BNI Việt Nam trình bày đã thu hút hơn 200 học viên, đại biểu tham dự, với hơn 100 lượt câu hỏi thảo luận và ý kiến đóng góp rất hấp dẫn và tích cực.

Nằm trong khuôn khổ các sự kiện Techfest 2021, buổi tập huấn 1 nhằm cung cấp những kiến thức về việc xác định vấn đề, tìm kiếm giải pháp và tạo ra giá trị cho sản phẩm dịch vụ. Từ đó, nêu lên những phương pháp tìm hiểu xu hướng và nắm bắt cơ hội, để tạo ra lợi thế cho ý tưởng.

Đồng thời, chương trình nhấn mạnh về giá trị rất đặc biệt của tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ có trong mỗi đơn vị, tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Theo ông Trần Anh Tuấn, một trong những lý do lớn nhất khiến khởi nghiệp thất bại là doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Vấn đề cần thiết hiện nay đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là tạo ra được hệ sinh thái kinh doanh và mô hình đổi mới sáng tạo. Để làm được vậy thì  doanh nghiệp cần có được tư duy sáng tạo về giá trị của của sản phẩm, của doanh nghiệp. Điều đó bắt nguồn từ việc tìm kiếm ý tưởng sáng tạo.

Ông Tuấn khẳng định tầm quan trọng của việc lấy thị trường và khách hàng làm trọng tâm, để xác định nhu cầu thị trường, phân khúc thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Từ nhu cầu thị trường vào trong - những tài nguyên mà doanh nghiệp có, doanh nghiệp đặt ra cho mình những giả thuyết về sản phẩm. Đây chính là ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp.

4. Tran ANh Tuan
Diễn giả Trần Anh Tuấn, Cựu Giám đốc Vùng TP.HCM & Giám đốc đào tạo BNI Việt Nam.

"Ý tưởng này phải phù hợp giữa vấn đề của thị trường, khách hàng và giải pháp của doanh nghiệp, đặc biệt cần phải được phát triển và kiểm định, phải đi vào thực chiến. Ý tưởng ban đầu có thể không phải là ý tưởng cuối cùng, nhưng cần kiểm nghiệm sản phẩm là một quá trình được lặp đi lặp lại nhiều lần để tìm sự phù hợp thị trường", ông Tuấn nói.

Những ý tưởng đổi mới sáng tạo cần gắn với một hệ sinh thái, với một mô hình kinh doanh sáng tạo, ưu việt. Ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh công thức khởi nghiệp thành công là tổ chức tạo được giá trị, nắm bắt được giá trị nhằm tạo lợi thế cho mình trong thị trường hoặc trước các nhà đầu tư.

Công thức ấy là sự tổ hợp của nhiều yếu tố từ việc chứng minh được sức hút và chào bán sản phẩm/dịch vụ, định vị được sản phẩm/dịch vụ đến việc tạo động lực tăng trưởng, quy mô hóa doanh nghiệp. Bằng chứng về những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với công thức ấy cũng được ông Tuấn chia sẻ và phân tích cụ thể trong buổi tập huấn.

Chương trình đã mang đến một cái nhìn tổng thể về đổi mới sáng tạo cũng như những kiến thức quan trọng đối với khởi nghiệp sáng tạo, thu hút được rất nhiều câu hỏi và chia sẻ của người tham dự.

6
Rất đông người tham gia chương trình.

Là chuyên đề đầu tiên trong chuỗi sự kiện tập huấn của Techfest 2021 về hoạt động đổi mới sáng tạo, chương trình đã để lại những ấn tượng cả số lượng người tham dự và chất lượng buổi tập huấn. Đó là động lực để thực hiện những chuyên đề bổ ích ở những buổi tập tiếp theo, góp phần xây dựng cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và phát triển bền vững.

Đến dự với Chương trình có Tiến sỹ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, đại diện của Ban Tổ chức Techfest 2021; Tiến sỹ Bùi Văn Quyền - Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam; Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Làng; Ông Lê Vũ Tiến và ông David Martin Nguyễn - Đồng Trưởng Làng - Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, chương trình cũng ra mắt và giới thiệu Ban Đào tạo của Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, với nữ Trưởng ban Lê Thị Thanh Tâm đến từ Đại học Y Dược TP.HCM.

PV

PV