Những ngày gần đây, một loạt địa phương của Trung Quốc đã thông báo hạn chế sử dụng điện, giảm tải hoặc thậm chí ngừng hoạt động sản xuất của các nhà máy. Các biện pháp hạn chế mới được triển khai trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu than để sản xuất điện và chính quyền khu vực đang chịu sức ép ngày càng tăng trước yêu cầu giảm lượng khí thải carbon của chính phủ.
Cụ thể, theo Global Times, ngày 27/9, một đợt cắt điện "bất ngờ và chưa từng có" đã xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Tình trạng thiếu điện tại Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh đã dẫn đến những gián đoạn lớn đối với cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh.
Tại tỉnh Quảng Đông, trung tâm công nghiệp và vận tải biển lớn cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quan chức địa phương cho biết, nhiều công ty đang cố gắng giảm nhu cầu bằng cách làm việc 2 hoặc 3 ngày mỗi tuần.
Ông Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, công ty tư vấn hợp tác chủ yếu với các công ty Bắc Âu đang hoạt động ở Đông Á và Đông Nam Á, cho biết: "Một số công ty đứng trước rào cản về việc đầu tư vào Trung Quốc. Họ lựa chọn không tiếp tục đầu tư tại đây".
Ông Annell cho biết các khoản đầu tư kinh doanh nước ngoài đã được lên kế hoạch lên đến hàng chục triệu USD. Trong khi Trung Quốc vẫn là một "điểm đến quan trọng" đối với lĩnh vực sản xuất, ông Annell cho rằng các doanh nghiệp hiện có các lựa chọn thay thế đầu tư vào Đông Nam Á.
Cú sốc năng lượng tại Trung Quốc đang khiến các nhà kinh tế cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo đó, các nhà phân tích tại Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2021 xuống 7,7% với lý do số lượng nhà máy phải ngừng hoạt động do yêu cầu hạn chế tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia này năm 2021 xuống 7,8%, từ mức 8,2%. Theo các nhà phân tích, quý IV/2021, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro vì cuộc khủng hoảng nợ tại "gã khổng lồ" bất động sản Evergrande.
Khủng hoảng năng lượng có thể tạo ra cú sốc khiến đà phục hồi vốn đang mong manh của Trung Quốc đi chệch hướng và gây thêm rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà phân tích Yan Qin của Refinitiv nhận định: "Tình trạng thiếu điện sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế. Tình trạng này có thể làm giảm sản lượng trên hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả các ngành xây dựng và sản xuất - động lực chính cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc vào năm 2021".
Nhật Linh (t/h)
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/kinh-te-trung-quoc-dung-truoc-kho-khan-vi-doi-dien-a1238.html